Xử nghiêm, kịp thời các vụ thách thức pháp luật của Nhà nước
Ba vụ án 'báo sạch', Nguyễn Phương Hằng và thao túng thị trường chứng khoán là có tính chất thách thức đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Sáng 31-3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết bảy năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng TAND Tối cao, Ban cán sự đảng VKSND Tối cao.
Xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ tham nhũng phức tạp
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo), đánh giá trong bảy năm qua, bốn cơ quan trên đã rất trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật…
Theo ông Thưởng, các cơ quan trên đã kịp thời phối hợp tham mưu Ban chỉ đạo chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc có tính đột phá mạnh mẽ, quyết liệt, tạo bước tiến mới trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, không để oan sai, không để lọt tội phạm. Từ đó xử lý kịp thời, đồng bộ vừa nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý tham nhũng.
Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là nhạy cảm đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất; xử lý nghiêm minh…
Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: PHƯƠNG HOA/TTXVN
Ông Thưởng đánh giá bốn cơ quan đã phối hợp tham mưu Bộ Chính trị, Ban bí thư lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại; những vấn đề liên quan đến an ninh tôn giáo, dân tộc; khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, bắt giữ người trái pháp luật. Cạnh đó là các vụ việc tụ tập đông người, biểu tình, gây rối, nhằm âm mưu gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch... góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, Thường trực Ban bí thư lưu ý vẫn còn những hạn chế như phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm so với kế hoạch của Ban chỉ đạo; công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu, đánh giá chứng cứ, quan điểm xử lý... vẫn còn hạn chế.
Có lúc, có việc công tác phối hợp vẫn chưa thực sự nhịp nhàng, có biểu hiện “quyền anh, quyền tôi”; có vụ, việc chậm được hướng dẫn, chỉ đạo xử lý hoặc hướng dẫn thiếu thống nhất, gây khó khăn, kéo dài trong xử lý một số vụ án, vụ việc ở địa phương. “Bốn cơ quan cần nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong thời gian tới!” - ông Thưởng nói.
Xử lý kịp thời các vụ liên quan đến chính trị, đối ngoại
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý một số vấn đề cụ thể.
Đó là cần tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; các chủ trương, giải pháp về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thường trực Ban bí thư nhấn mạnh những vi phạm có tính chất thách thức đối với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội cần xử lý nghiêm minh và kịp thời.
Một số vụ việc cần đẩy mạnh hơn, nhất là các vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, liên quan tới nhiều người, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt, đã có chỉ đạo, phải khẩn trương giải quyết.
Dẫn chứng ba vụ việc xử lý vừa qua có tác dụng xã hội tốt, xa hơn là vụ xử lý nhóm “báo sạch”, gần đây là xử lý vụ bà Nguyễn Phương Hằng và mới đây là vụ thao túng thị trường chứng khoán. Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ đây là ba vụ sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những xử lý như vừa qua là nghiêm minh, kịp thời.
Các cơ quan phối hợp tham mưu có hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu bốn cơ quan cần chủ động phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Đặc biệt, theo Thường trực Ban bí thư, cần lưu ý đến các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp... không để phát sinh “điểm nóng”, bị động, bất ngờ.
Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/xu-nghiem-kip-thoi-cac-vu-thach-thuc-phap-luat-cua-nha-nuoc-1051664.html