Vấn đề quản lý các cơ quan báo chí đối ngoại ở Việt Nam

Vấn đề đặt ra

Thực tế cho thấy, công chúng mục tiêu của các cơ quan báo chí đối ngoại muốn hướng đến là những người có trình độ học vấn khá, không thụ động tiếp nhận thông tin, có sự chủ động rất lớn trong việc tìm kiếm nguồn thông tin đa dạng, từ đó có thể xây dựng nhận thức, quan điểm, thái độ của cá nhân về các vấn đề thông tin trên báo chí. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí đối ngoại cần chú ý đến xu hướng tiếp nhận sản phẩm báo chí của công chúng để thay đổi quy trình sản xuất sản phẩm cho phù hợp, đáp ứng được những nhu cầu đặt ra của công chúng. Đó là tốc độ cập nhật thông tin nhanh; đầu tư về nội dung, hình thức và công nghệ sản xuất, sự tương tác với công chúng...

Để có được một sản phẩm báo chí nói chung và sản phẩm báo chí đối ngoại nói riêng có chất lượng tốt, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đối với công chúng thì công tác quản lý của toàn soạn giữ vai trò rất quan trọng.

Vấn đề quản lý các cơ quan báo chí đối ngoại ở Việt Nam

Đề xuất một số giải pháp

Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp của báo đối ngoại. Sự chuyên môn hóa của hệ thống báo chí đối ngoại tập trung ở một số vấn đề cơ bản như: xác định rõ và tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, cũng như đối tượng công chúng. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ cấu, hệ thống tổ chức, số lượng chương trình, chuyên mục, trang chuyên đề, nội dung, lĩnh vực phản ánh, phạm vi phản ánh... cho phù hợp; Nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong khi tác nghiệp; Quản lý chặt chẽ việc tuân thủ tôn chỉ, mục đích đã xác định của các sản phẩm trong quá trình hoạt động, có các biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp đối với các cơ quan báo chí vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, để xảy ra sai phạm; Quan tâm phát triển về hạ tầng và kỹ thuật của các cơ quan báo chí đối ngoại; Mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm với các nước về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật và quản lý...

Hai là, kiện toàn tổ chức các văn phòng đại diện thông tấn, báo chí của Việt Nam ở nước ngoài, bảo đảm sự thống nhất, cọi trọng tính hiệu quả, sự phối hợp ở các địa bàn trọng điểm, khu vực và quốc gia cần ưu tiên trong hoạt động thông tin đối ngoại.

Ba là, hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý tòa soạn. Để vận hành các hoạt động hiệu quả, đòi hỏi tòa soạn báo phải có một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, bao gồm tất cả các khâu biên tập - xuất bản/phát sóng - phát hành, cùng với sự tương tác, phối hợp linh hoạt giữa các bộ phận và một cơ chế hạch toán độc lập, đồng thời sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy để làm phong phú các hoạt động và phù hợp với từng thời kỳ phát triển.

Tòa soạn báo chí đối ngoại cũng có những đặc điểm giống như các tòa soạn báo thông thường. Nhưng với những đặc trưng khác biệt về đối tượng, địa bàn cũng như nội dung và hình thức sản phẩm, tòa soạn của các cơ quan báo chí đối ngoại sẽ có những điểm khác biệt. Do đó, tòa soạn báo chí đối ngoại cũng cần có sự đổi mới để tạo ra những sản phẩm mới mẻ đến với công chúng với chất lượng cao hơn, hấp dẫn, ấn tượng hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi phải luôn dựa trên nền tảng là sự chỉ đạo thống nhất về nội dung của Ban Biên tập, đảm bảo tính định hướng, bám sát đường lối đối ngoại và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Hàng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức trao giải thưởng về báo chí đối ngoại

Bốn là, đảm bảo cho các khâu tổ chức sản xuất diễn ra đúng quy trình. Lãnh đạo các cơ quan báo chí luôn phải đảm bảo cho các khâu tổ chức sản xuất sản phẩm diễn ra đúng quy trình từng bước, không được bỏ sót bước nào vì đây là một công việc rất đặc thù, liên quan mật thiết đến công tác thông tin đối ngoại. Với đặc thù là các sản phẩm đối ngoại nên công tác biên dịch, phiên dịch và khâu hiệu đính chuyên gia nước ngoài cần được chú trọng, tránh những sai sót sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề.

Năm là, đổi mới, sáng tạo trong công tác tổ chức, quản lý quy trình sản xuất sản phẩm báo chí đối ngoại. Các bộ phận trong bộ máy tổ chức sản phẩm của các cơ quan báo chí đối ngoại cần có nhận thức đúng đắn về hoạt động của mình, đặc biệt là nhận rõ mối quan hệ giữa thông tin báo chí đối nội và thông tin báo chí đối ngoại. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, không chỉ có thông tin báo chí đối ngoại mà cả thông tin đối nội cũng đến với thế giới một cách nhanh chóng và dễ dàng. Vì vậy, để đảm bảo hệ thống thông tin đa dạng, có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, các phóng viên, biên tập viên, những nhà quản lý báo chí cần xác định những nội dung, cách thức truyền tải thông tin phù hợp.

Để làm tốt được điều này cần có sự định hướng về nhận thức, trao đổi thông tin, cách làm việc giữa các bộ phận để có phương hướng tổ chức bài bản, chuyên nghiệp. Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tin tức giữa các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước với các đối tác nước ngoài, chú trọng và đẩy mạnh thông tin đối ngoại trên mạng Internet và bằng tiếng nước ngoài.

Mặt khác, mỗi người trong hệ thống bộ máy tổ chức sản xuất sản phẩm cần phải nâng cao trách nhiệm của mình. Từ phóng viên, biên tập viên phải đề cao trách nhiệm với thông tin mà mình cung cấp, xử lý. Thực tế cho thấy, để có được một sản phẩm báo chí nói chung và sản phẩm báo chí đối ngoại nói riêng đáp ứng được đầy đủ nhu cầu công chúng, công tác lãnh đạo, quản lý có những ảnh hưởng rất lớn.

Công tác này ngoài những ưu điểm đã đạt được, thực tế vẫn còn tồn tại những hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả tiếp nhận sản phẩm của công chúng. Thêm vào đó, sự tác động của môi trường báo chí, sự phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ và báo chí thế giới khiến công tác quản lý ở các cơ quan báo chí đối ngoại cần có những thay đổi phù hợp để đáp ứng những yêu cầu thực tế đặt ra./.

Nguồn Người Làm Báo

Tin liên quan