Dùng trăn, cá sấu trị liệu cho người tự kỷ ở Brazil

Con trăn boa màu vàng nâu quấn quanh cổ David de Oliveira Gomes nhưng thiếu niên 15 tuổi mắc bệnh tự kỷ không thấy sợ.

"Tên nó là Gold. Sờ vào nó mát lạnh. Nó là loài ăn chuột", Gomes vừa nói với bác sĩ tại trung tâm trị liệu Walking Equotherapy ở Sao Paulo, vừa ôm con trăn trườn quanh người.

Gomes trả lời đúng vấn đề mà Andrea Ribeiro muốn thiếu niên 15 tuổi nói ra. Cô chuyên trị liệu cho người khuyết tật, người mắc bệnh tự kỷ hay lo âu, bằng liệu pháp bò sát. Theo Ribeiro, phương pháp này giúp bệnh nhân thư giãn, cải thiện năng lực giao tiếp, kỹ năng vận động và những vấn đề khác.

"Cậu ấy đang tập diễn đạt và ghi nhớ", nhà trị liệu ngôn ngữ 51 tuổi nói về Gomes khi ngồi trên bàn cùng cậu và con trăn.

Bà là người tiên phong sử dụng liệu pháp này trong thập kỷ qua ở trung tâm điều trị, nơi có không gian mở để bệnh nhân tương tác với rắn, trăn, thằn lằn, rùa và cá sấu jacare phổ biến ở Brazil.

Liệu pháp này chưa được khoa học chứng minh. Nhưng "về mặt y học, khi con người tiếp xúc với động vật, não sẽ giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và beta-endorphin, đem lại cảm giác dễ chịu và hạnh phúc", Ribeiro nói.

"Những chất này khiến tâm trạng bệnh nhân vui hơn và muốn học hỏi", bà giải thích, nói thêm các động vật bò sát "giúp chúng tôi đạt kết quả nhanh hơn, tốt hơn".

Ribeiro từng dùng chó để trị liệu, nhưng nhận ra người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân tự kỷ, cảm thấy không thoải mái khi phải liên tục tương tác và chơi đùa với động vật nhiều năng lượng như chúng. Do đó bà chuyển sang dùng bò sát.

Đây là loài động vật khiến nhiều người sợ hãi nhưng chúng lại khơi dậy sự tò mò của người tự kỷ mà không làm họ khó chịu. "Chúng không tìm kiếm sự chú ý theo cách một số loài động vật có vú thường làm", bà nói.

Gabriel Pinheiro, 10 tuổi, vuốt ve con cá sấu nhỏ, cố bắt chước âm thanh bác sĩ Ribeiro phát ra bằng cách mở to miệng đọc "Ja-ca-re".

"Người nó ướt", cậu bé nói, đôi mắt đeo kính dán chặt vào con vật. Vảy của cá sấu "cứng", bụng thì "mềm", cậu nói tiếp khi Ribeiro muốn dạy cậu bé phân biệt hai từ trái nghĩa.

Sau đó, cậu bé và bác sĩ hát một bài về cá sấu jacare để rèn kỹ năng ghi nhớ bằng thính giác. Cristina, mẹ của Pinheiro, cho rằng 4 năm trị liệu đã giúp cải thiện kỹ năng nghe nói, giao tiếp và vận động của con trai.

"Cháu lúc nào cũng vui mỗi lần tới đây", cô nói.

Một bệnh nhân khác là Paulo Palacio Santos, 34 tuổi, tổn thương não nghiêm trọng vì tai nạn. Anh bị liệt và mất khả năng nói. Ribeiro quấn con trăn quanh mặt Santos. Cân nặng và thân nhiệt thấp của con rắn giúp Santos kích hoạt phản xạ nuốt. Ribeiro sử dụng con trăn boa nhỏ hơn để kích thích cơ bắp vùng miệng của bệnh nhân.

Quy trình sử dụng các loài bò sát này được cơ quan môi trường Brazil IBAMA giám sát. Riberiro làm việc cùng nhà sinh vật học Beatiz Araujo, người có nhiệm vụ theo dõi các con vật và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Trung tâm cho hay 10 năm qua chưa từng xảy ra sự cố nào. Các loài bò sát được nuôi ở đây đã quen tiếp xúc với con người. Trung tâm không sử dụng rắn độc.

"Tôi luôn có mặt để đề phòng con vật gây phản ứng bất ngờ", Araujo nói. "Nguy hiểm khi tiếp xúc gần với chúng cũng tương tự khi tiếp xúc với bất kỳ loài động vật nào".

Nguồn: VnExpress

Tin liên quan