Sự tương đồng giữa ông Bolsonaro - Trump trở lại tâm điểm chú ý

Vụ tấn công ngày 8/1 ở Brasilia và cuộc bạo loạn Điện Capitol hơn 2 năm trước có nhiều điểm tương đồng, song các chuyên gia cho rằng nền dân chủ Brazil khác rất nhiều so với Mỹ.

Những người biểu tình giận dữ đã xông vào các tòa nhà chính phủ, vốn là biểu tượng của nền dân chủ Brazil, vào ngày 8/1. Họ đập vỡ cửa sổ, lục tung bàn làm việc của các nhà lập pháp và đập phá đồ đạc trong cơn thịnh nộ kéo dài hàng giờ.

Cuộc tấn công của những người ủng hộ cựu Tổng thống Jair Bolsonaro ở thủ đô Brasilia ngày 8/1 vừa qua lập tức gợi nhắc về vụ bạo loạn tại Điện Capitol (Mỹ) hôm 6/1/2021 của những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump.

Song các chuyên gia cảnh báo dù có nhiều điểm chung, hai sự kiện này không nên bị đánh đồng, theo AP.

Graham Brookie - Giám đốc cấp cao của Phòng nghiên cứu Pháp y Kỹ thuật số chuyên theo dõi thông tin sai lệch trên toàn cầu, thuộc Hội đồng Đại Tây Dương - cho biết vụ tấn công ở thủ đô Brazil có “những điểm tương đồng không thể phủ nhận” với cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 ở Mỹ.

"Hình ảnh hay những lời kêu gọi hành động trên mạng xã hội rất, rất giống nhau”, ông nói. “Nhưng có những điểm đáng lưu ý. Nền dân chủ Brazil khác nền dân chủ ở Mỹ rất nhiều. Văn hóa, bối cảnh, thậm chí cả thể chế đều khác biệt, và điều đó thực sự quan trọng”.

Nhiều điểm chung

Cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có mối liên kết chính trị chặt chẽ và nhiều nhóm ủng hộ chung. Ông Bolsonaro cũng là một trong những nhà lãnh đạo thế giới cuối cùng công nhận chiến thắng của Tổng thống Joe Biden vào năm 2020.

“Ví dụ về hành động từ chối bầu cử, cực đoan hóa việc thực thi pháp luật, và công khai chê bai các thể chế dân chủ là một khuôn mẫu mà tôi không nghĩ rằng ông Bolsonaro và cộng sự sẽ tự mình nghĩ ra”, Scott Hamilton, nhà cựu nhà ngoại giao Mỹ tại Brazil, cho biết.

Ông Donald Trump (trái) bắt tay ông Jair Bolsonaro tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, vào ngày 7/3/2020. Ảnh: Eva Marie Uzcategui/Bloomberg.

Ông Bolsonaro thường ca ngợi khả năng lãnh đạo của người đồng cấp Mỹ, thậm chí còn đăng những bức ảnh chụp bản thân đang xem các bài phát biểu của ông Trump.

Con trai của ông Bolsonaro, Eduardo, cũng làm việc với phong trào dân túy quốc tế của cố vấn ông Trump, Steve Bannon, vào năm 2019. Ông Bannon là một trong những người ủng hộ nhiệt tình nhất với lời nói dối về kết quả bầu cử của ông Trump vào năm 2020, cũng là người lan truyền những cáo buộc của ông Bolsonaro về gian lận phiếu bầu.

Sau cuộc bạo loạn hôm 8/1 ở Brasilia, ông Bannon đã gọi đám đông biểu tình là “những người đấu tranh cho sự tự do của Brazil” trong một video trên mạng xã hội.

Những người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội, Tòa án Tối cao và dinh tổng thống Brazil, kêu gọi quân đội lật đổ Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva. Số khác mang theo các biểu ngữ cáo buộc cuộc bầu cử bị đánh cắp. Tất cả gợi nhớ đến những hình ảnh ở Điện Capitol ngày 6/1/2021.

Cuộc tấn công diễn ra sau nhiều tháng ông Bolsonaro đặt nghi vấn về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử dù không đưa ra bằng chứng, tương tự những gì ông Trump đã làm vào năm 2020, theo New York Times.

Trước đó, vào tháng 11/2022, ông Bolsonaro đổ lỗi thất bại của mình là do phần mềm và kêu gọi hủy bỏ hầu hết số phiếu điện tử. Các đồng minh của ông Trump - những người từng giúp truyền bá thông tin sai lệch về cuộc bầu cử năm 2020 tại Mỹ - cũng gieo rắc nghi ngờ về kết quả bầu cử tổng thống Brazil vào tháng 10/2022.

Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập đã bác bỏ yêu cầu hủy bỏ phiếu bầu của ông Bolsonaro. Người đứng đầu tòa án bầu cử ở Brazil cũng gọi những cáo buộc của ông là “lố bịch và bất hợp pháp”.

Song mạng xã hội vẫn tràn ngập thông tin sai lệch về cuộc bầu cử. Các bài đăng kêu gọi người dân Brazil tập trung về thủ đô phản đối kết quả bầu cử liên tục lan truyền trên TikTok, Facebook, Telegram và nhiều nền tảng khác.

Trong đó, một bài đăng đã thu hút hơn 800.000 lượt xem từ ngày 6/1, theo phân tích của Aos Fatos.

Wendy Via, nhà điều hành Dự án Chống sự Thù ghét và Chủ nghĩa Cực đoan Toàn cầu, cho biết cuộc bạo loạn hôm 8/1 là một ví dụ khác về cách thúc đẩy bạo lực bằng thông tin sai lệch và những lời hoa mỹ trên mạng, nếu chúng xuất phát từ một nhà lãnh đạo với lượng người theo dõi đủ lớn.

“Chúng ta đã thấy điều này sắp xảy ra”, bà Via nói. “Điều này không chỉ xảy ra ở Brazil hay Mỹ. Đây là một vấn đề toàn cầu. Chúng ta có nên so sánh những gì đã xảy ra ở Brazil với vụ việc ngày 6/1/2021 ở Mỹ không? 100%, vì cả hai cùng một vở kịch”.

Bối cảnh khác biệt

Trong khi đó, một số chuyên gia đã chỉ ra những khác biệt quan trọng giữa hai cuộc tấn công.

“Đây không phải là một phần phong trào được dàn dựng nhằm lật ngược kết quả bầu cử”, Christopher Garman, Giám đốc điều hành khu vực châu Mỹ của Eurasia Group, nhận định và cho biết thêm vụ việc ở Brazil “hơi khác” so với cuộc bạo loạn ở Mỹ hai năm trước.

Lực lượng an ninh kéo lê người biểu tình trên nền đất bên ngoài dinh tổng thống ngày 8/1. Ảnh: Reuters.

Vào ngày 6/1/2021, ông Trump vẫn là tổng thống. Ông kêu gọi những người ủng hộ tuần hành tới Điện Capitol và ngăn chặn việc Quốc hội phê chuẩn chiến thắng của ông Biden.

Nhưng tại Brasilia, cuộc biểu tình diễn ra vào chủ nhật khi chỉ có một vài người ở văn phòng chính phủ, và ông Bolsonaro đã từ bỏ quyền lực trước đó.

Ông Bolsonaro thậm chí đã rời khỏi Brazil, đến bang Florida, Mỹ. Vào ngày 9/1, ông được cho là đã đến một bệnh viện địa phương vì cơn đau bụng.

Ông Garman cho biết cựu Tổng thống Bolsonaro có thể đã bị Tòa án Tối cao Brazil điều tra. Cơ quan này từng mạnh tay trừng phạt việc lan truyền thông tin sai lệch về cuộc bầu cử, kiểm duyệt các tài khoản mạng xã hội và các bản tin được cho là sai lệch.

Do đó, ông Bolsonaro hiểu rằng nếu cố gắng quá sức, tòa án có thể ra phán quyết ngăn ông tái tranh cử. “Nếu ông Bolsonaro đi theo con đường của ông Trump, các quyền chính trị của ông đã bị đình chỉ”, vị chuyên gia nhận định.

Theo AP, tình hình ở Brazil cũng đáng lo ngại hơn ở Mỹ. Tham nhũng có hệ thống và nỗ lực ổn định nền dân chủ còn khá non trẻ là mối quan tâm lớn ở quốc gia này. Tổng thống Lula - người vừa đánh bại ông Bolsonaro - là một cựu tổng thống từng bị bỏ tù vì tội tham nhũng và được Tòa án Tối cao phóng thích vào năm 2019.

Những người theo dõi chính trị Mỹ - môi trường chính trị siêu phân cực với sự ngờ vực ngày càng tăng - có thể đã quen với việc các nhóm ủng hộ người tiền nhiệm phản đối chính phủ mới.

“Song bất kỳ nền dân chủ nào khác có mức độ ngờ vực tương tự, đều sẽ không (bền vững)”, ông Garman kết luận.

Nguồn: zingnews.vn

Tin liên quan