Ai lấp đầy khoảng trống Công Vinh để lại ở tuyển Việt Nam?

Ngày 7/12/2016, người hâm mộ Việt Nam phải nhận hai tin buồn. Thứ nhất, đội tuyển bị loại khỏi AFF Cup sau trận hòa như thua trước Indonesia. Thứ hai, Lê Công Vinh và Phạm Thành Lương giải nghệ.

Công Vinh là tiền đạo tốt nhất của tuyển Việt Nam từ năm 2004 tới 2016. Anh đã ghi 28 bàn tại các giải đấu chính thức cho đội tuyển. Ảnh: Minh Chiến.

Khoảng trống sau thời đại Huỳnh Đức, Công Vinh

Gần 2 thập kỷ trước thời điểm đó, các đội tuyển Việt Nam đã tiến lên nhờ những bàn thắng của Lê Huỳnh Đức và Công Vinh. Người đầu tiên khoác áo tuyển Việt Nam từ năm 1995 tới 2004. Người thứ hai cống hiến từ năm 2004 tới 2016. Giải đấu cuối cùng của Huỳnh Đức cũng là giải đấu đầu tiên của Công Vinh.

Hai thập kỷ, qua hơn 20 đời HLV cả chính thức và tạm quyền, họ thay nhau làm “họng súng” chủ lực của tuyển Việt Nam. Huỳnh Đức ghi 26 bàn cho tuyển Việt Nam tại các giải chính thức. Con số của Công Vinh là 28 bàn.

4 năm kể từ ngày Công Vinh giải nghệ, đội tuyển Việt Nam vẫn chưa tìm được sự thay thế xứng đáng, dài hạn cho vị trí tiền đạo cắm.

Nguyễn Anh Đức từng nổi lên ở vị trí này trong thời kỳ đầu của HLV Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam. Nhưng anh chỉ thực sự ghi dấu ấn với 4 bàn ở AFF Cup 2018. Do tuổi tác, Anh Đức đã nhiều lần chia tay đội tuyển. Anh cũng không còn phong độ cao tại CLB, chưa tìm được đội bóng ở V.League 2020 và khó lòng tái hiện phong độ cao tại đội tuyển.

Người thay thế Anh Đức cả ở Bình Dương và tuyển Việt Nam là Nguyễn Tiến Linh. Năm nay, Tiến Linh 23 tuổi. Loạt trận vòng loại World Cup vừa qua đã cho thấy dấu hiệu tiến bộ của Tiến Linh khi anh liên tục xuyên thủng mảnh lưới của UAE, Indonesia. Tuy nhiên, năng lực của anh còn cần được kiểm chứng thêm.

Bản thân Tiến Linh cũng chưa mang tới cảm giác yên tâm như Công Vinh, Huỳnh Đức từng mang lại. Anh chưa có “cốt cách” của một ngôi sao lớn, chưa thể hiện năng lực định đoạt trận đấu mà một siêu tiền đạo cần có.

HLV Park Hang-seo hiểu và từng nhiều lần phàn nàn về điều đó. Ông đã tìm kiếm và thử nghiệm hàng loạt những cái tên. Hà Đức Chinh, Hà Minh Tuấn, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Văn Quyết... đều từng được trao cơ hội.

Trong một ngày đẹp trời, Công Phượng có thể làm khó những hàng phòng ngự tốt nhất tại châu Á. Ảnh: Minh Chiến.

Lời giải mang tên Công Phượng

Những tố chất mà hàng công tuyển Việt Nam còn thiếu, Công Phượng đều có cả. Chỉ tiếc là, anh chưa thể biến tiềm năng cực lớn ấy thành những bàn thắng.

Phượng là chân sút hiếm hoi của bóng đá Việt Nam hiện nay sở hữu kỹ thuật, tốc độ và khả năng bùng nổ. Trong một ngày đẹp trời, tiền đạo của TP.HCM có thể khuynh đảo những hàng thủ mạnh nhất như anh từng làm được ở Nhật Bản tại Asian Cup 2019. Vấn đề là Phượng còn nhiều nhược điểm. Anh hạn chế về chiến thuật, thể lực không đủ và có xu hướng chơi bóng theo kiểu tự phát, nhược điểm từng khiến Phượng thất bại trong các chuyến xuất ngoại.

Tuy nhiên, những điều đó đang được cải thiện phần nào khi Công Phượng chuyển về khoác áo CLB TP.HCM. Tại đây, Phượng đã chuyển từ vị trí “số 10” lên gần khung thành hơn. Anh đi bóng ít hơn, hạn chế đột phá nhưng lại tỏ ra hiệu quả hơn. Điều đó cho thấy Công Phượng đủ khả năng thay đổi và có thể thay đổi.

Trước Công Phượng, người đàn anh Công Vinh từng có những thay đổi tương tự trong quá khứ. Từ một cầu thủ thích cầm bóng, chơi bám biên trong buổi đầu sự nghiệp, Công Vinh đã từng bước hoàn thiện mình thành một sát thủ, chơi gần khung thành hơn, xử lý đơn giản và đề cao hiệu quả. Thay đổi ấy đã biến Công Vinh từ một tiền đạo lùi trở thành tiền đạo cắm bậc nhất lịch sử tuyển Việt Nam.

Đó là con đường mà Công Phượng có thể tham khảo.


Nguồn: Báo Zing

Tin liên quan