ASEAN gắn kết vì một cộng đồng bền vững

ASEAN đang ngày càng khẳng định sự gắn kết chính trị, hội nhập kinh tế, chịu trách nhiệm xã hội và lấy con người làm trung tâm dựa trên các quy tắc phát triển bền vững.

Thành công quan trọng nhất của ASEAN trong suốt hơn 5 thập niên qua là đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Ảnh: TTXVN

Thành công quan trọng nhất của ASEAN trong suốt hơn 5 thập niên qua là đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia thành viên xây dựng được mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp. Những khác biệt giữa các thành viên, những bất đồng hay tranh chấp nhất định đều được ngăn chặn và hóa giải trên cơ sở lợi ích chung.

Với nguyên tắc đề cao an ninh tập thể, việc ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, quản lý thiên tai, ma túy, dịch bệnh, các vấn đề môi trường… đã được nâng lên tầm hợp tác khu vực. Các vấn đề an ninh phi truyền thống luôn trở thành mục tiêu then chốt trong đàm phán chính sách và hợp tác trong nhiều cơ chế của ASEAN và do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Bộ trưởng các vấn đề ma túy ASEAN (AMMD), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM mở rộng, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) mới đây ở Bangkok, Thái Lan, các bộ trưởng đã tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực, xử lý hữu hiệu các thách thức đang nổi lên, thúc đẩy an ninh bền vững trong khu vực thông qua củng cố lòng tin chiến lược và sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước ASEAN và các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.…

Khu vực ASEAN là câu chuyện thành công về kinh tế ở các nước đang phát triển, hầu như tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều đạt mức vượt trội so với tăng trưởng toàn cầu trong một thời gian dài. ASEAN cũng được đánh giá là hội nhập khu vực thành công nhất ở các nước đang phát triển và là một mô hình của chủ nghĩa khu vực mở, đây cũng là điểm đến lớn thứ hai (chỉ đứng sau Trung Quốc) cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thập niên qua.

Thế giới cũng chứng kiến ASEAN nhanh chóng trở thành một khu vực kinh tế năng động, có quy mô lớn thứ sáu trên toàn cầu với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 đạt gần 3.000 tỷ USD, tăng gấp 100 lần so với mức khiêm tốn chưa đầy 30 tỷ USD ban đầu. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn khối sẽ đạt từ 4,9 – 5,2% trong năm 2019. Với đà phát triển năng động và tiềm năng lớn, dự kiến ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050. ASEAN chính là nhân tố quan trọng tạo ra sự thay đổi lớn về sức mạnh kinh tế ở châu Á và quá trình tái tổ chức các cường quốc trong khu vực.

Trong suốt chặng đường dài từ khi thành lập đến nay, ASEAN đã luôn hướng tới sự phát triển bền vững với các tiêu chí tăng trưởng xanh và bao trùm, xác định và đáp ứng nhu cầu xã hội, tăng cường trao quyền và sự tham gia, kết nối của mọi người dân, cải thiện quản trị và củng cố các yếu tố xã hội phục vụ con người.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015, tầm nhìn 2015, ngày 22/11/2015, tại Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong bối cảnh khu vực và toàn cầu đang trải qua sự thay đổi lớn về kinh tế và địa chính trị, những thách thức mới mà ASEAN phải đối mặt trong tương lai sẽ khác nhiều so với 5 thập niên qua. Thay đổi trong quan hệ giữa các cường quốc tại châu Á-Thái Bình Dương là nguyên nhân dẫn đến nhiều bất ổn địa-chính trị, các hình thức xung đột về tranh chấp lãnh thổ ngày càng phức tạp, cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt, trong đó Đông Nam Á là vòng trung tâm,… làm cho môi trường an ninh khu vực đứng trước nhiều nguy cơ bất ổn, tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến ASEAN.

ASEAN luôn đặt ra mục tiêu hàng đầu về duy trì sự ổn định, an ninh khu vực, đối phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên cơ sở tính đến lợi ích chung lớn nhất. Chính sự ổn định, hòa bình ở khu vực Đông Nam Á sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi, đưa khu vực đạt được những bước phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, chỉ có thúc đẩy hơn nữa đoàn kết, thống nhất, phát huy tính tự lực, tự cường, ASEAN mới có thể giữ vững được vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực mở, qua đó đảm bảo được an ninh bền vững tại khu vực để có thể cùng nhau phát triển.

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế về ASEAN và Đông Á (ERIA), trong 2 thập niên tới, châu Á sẽ là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu và ASEAN nằm ở trung tâm địa lý của khu vực thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Sự tăng trưởng thương mại của Ấn Độ và dòng đầu tư ASEAN-Trung Quốc sẽ trở thành một vòng cung vàng tiềm năng mới của sự phát triển. Điều đó sẽ khiến ASEAN và phần còn lại của châu Á phải bảo đảm một hệ thống thương mại mở và những đường hướng phát triển phù hợp để nắm bắt những cơ hội lớn.

Bên cạnh đó, sự tăng tốc về chuyển đổi kỹ thuật số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những thay đổi đột phá về công nghệ sẽ tạo ra một cơ hội lớn cho tiến bộ kinh tế và xã hội, nhưng cũng đặt ra những rủi ro mà ASEAN sẽ phải quản lý.

ASEAN cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt vì hạn chế về năng lực công nghệ, nhân lực lành nghề và tài năng khoa học, kỹ thuật so với Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản và các nền kinh tế tiên tiến của Đông Bắc Á. Sự bền vững của tăng trưởng ASEAN cũng sẽ chịu áp lực ngày càng tăng, các vấn đề như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng trong phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý thiên tai... cũng gây ra nhiều tác động.

Để đối mặt với những thách thức này, ASEAN có thể hướng tới một phương thức hoạt động chủ động hơn nữa với các chiến lược rõ ràng để dự báo các lợi ích cốt lõi trên cơ sở các cấu trúc mới, qua đó hình thành các chiến lược phát triển tương ứng.

Bên cạnh những thách thức tất yếu, các biến động này cũng sẽ mang lại cho ASEAN nhiều cơ hội mới để phát triển, vì vậy ASEAN cần có những bước đi táo bạo để bảo đảm sự tăng trưởng toàn diện và bền vững cũng như vai trò trung tâm của hiệp hội trong các vấn đề khu vực và vị thế mới trên thế giới.

Cộng đồng ASEAN đang tiếp tục hướng tới một ASEAN năng động, chủ động, thích ứng và đổi mới, nắm bắt các công nghệ hiện đại và các chính sách thực tiễn tốt nhất, một ASEAN quản lý tốt, bền vững và an toàn năng lượng, tập trung vào trao quyền và tạo cơ hội hòa nhập cho mọi người...

Cộng đồng cũng mong muốn được sống trong môi trường ít ô nhiễm và quản lý bền vững hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, Cộng đồng ASEAN sẽ có tiếng nói quan trọng trên toàn cầu và là nhân tố tích cực thúc đẩy cho hòa bình, ổn định ở khu vực rộng lớn hơn. Xây dựng một ASEAN bền vững trên cả ba trụ cột hướng tới người dân là mục tiêu hàng đầu và điều đó phụ thuộc phần lớn vào sự đoàn kết, bản lĩnh và ý chí của các nước thành viên.


Nguồn: Báo Tin Tức TTXVN

Tin liên quan