Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37: Đề cao gắn kết cộng đồng

Quang cảnh cuộc họp báo bế mạc ASEAN 37 chiều 15/11. Ảnh: VGP.

Dự Lễ bế mạc tại Hà Nội, có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch ASEAN 2020; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Tổng Thư ký ASEAN cùng lãnh đạo các quốc gia ASEAN tại các đầu cầu.

Cùng nhau xây dựng lòng tin

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại Hội nghị lần này, các quốc gia ASEAN đã nhất trí nhiều nội dung quan trọng tạo dựng động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, khẳng định cam kết mạnh mẽ với hợp tác đa phương cũng như liên kết và tự do hóa kinh tế.

“Chia sẻ quan điểm về các vấn đề của khu vực và quốc tế đang nổi lên, chúng ta nhất trí vai trò trung tâm của ASEAN cần được duy trì và tiếp tục phát huy, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, ngăn ngừa xung đột, xây dựng lòng tin, kiến tạo cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ”, Thủ tướng nói.

Năm 2020 thực sự là một năm đầy thử thách với khối lượng công việc khổng lồ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sau hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN tiếp tục khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết, năng lực tự cường và khả năng thích ứng linh hoạt với các thách thức.

Với những hành trang phong phú của năm 2020 và của các năm trước đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: ASEAN có thể tự tin vững bước vào thập niên thứ 6 - một chặng đường dài không ít thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn đang dần mở ra.

Nhiều quyết sách lớn

Cạnh tranh nước lớn và thách thức với ASEAN

Tại họp báo quốc tế ngay sau Hội nghị vào chiều 15/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phóng viên về vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và thách thức với ASEAN.

Thủ tướng cho biết: Các nước lớn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm hòa bình, duy trì ổn định và thúc đẩy thịnh vượng toàn cầu, trong đó có Đông Nam Á. ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng mong muốn các nước lớn có quan hệ tích cực, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, từ đó đóng góp hiệu quả, thực chất cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển khu vực và trên thế giới.

Xây dựng ASEAN gắn kết, chủ động thích ứng, Việt Nam đoàn kết cùng các nước thành viên ASEAN thống nhất trong lập trường, nhất quán trong hành động, chân thành trong hợp tác, cùng các đối tác phấn đấu vì một khu vực rộng mở, minh bạch và hoạt động dựa trên luật lệ.

Quan điểm này được thể hiện rõ trong các văn kiện của ASEAN trong suốt năm qua, đặc biệt là Tuyên bố chung về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập.

Trong phát biểu bế mạc, Thủ tướng cho biết: Lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua: Báo cáo đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025, nhất trí về sự cần thiết tiến hành rà soát triển khai Hiến chương ASEAN, khẳng định nỗ lực phát huy tích cực vai trò của ASEAN thúc đẩy hợp tác tiểu vùng gắn với tiến trình phát triển của ASEAN để mọi người dân, mọi vùng miền có được cơ hội đóng góp cho cộng đồng.

Thủ tướng cũng cho biết: Nhiều sáng kiến của ASEAN về hợp tác ứng phó Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và đưa vào triển khai, như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Quy trình ứng phó chuẩn Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, và Trung tâm Y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.

ASEAN cũng thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột Cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế - xã hội ở các quốc gia.

“Không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các Đối tác, ASEAN nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC) để Cuba, Columbia và Nam Phi tham gia, nâng tổng số lên 43 nước”, Thủ tướng nói và cho biết thêm: Hội nghị Cấp cao Đông Á EAS-15 cũng thông qua các Tuyên bố quan trọng, trong đó có Tuyên bố về 15 năm EAS và Tuyên bố EAS về Hợp tác biển bền vững.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường năng lực tự cường kinh tế - tài chính trước các thách thức, một lần nữa khẳng định vai trò và thế mạnh của khuôn khổ ASEAN+3 trong ngăn ngừa và ứng phó các nguy cơ khủng hoảng kinh tế - tài chính ở khu vực.

Việc ASEAN và các Đối tác kế thúc đàm phán và ký chính thức Hiệp định RCEP là một thành công thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước trong khu vực thúc đẩy tự do hóa và liên kết kinh tế, rất đáng khích lệ.

Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 với kỳ vọng xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN. Nhân dịp này, lãnh đạo các nước đã thông qua Bản tường thuật về Bản sắc ASEAN và ra Tuyên bố Hà Nội về tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên được tổ chức, là cơ hội để phụ nữ các nước ASEAN đóng góp cho các nỗ lực phát triển và tăng trưởng bền vững của khu vực.


Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

Tin liên quan