Quân đội Mỹ hôm qua (21/11) cho biết, các chiến hạm của Hải quân Mỹ chỉ trong vài ngày vừa rồi đã hai lần tiến vào khu vực gần những quần đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền sai trái ở Biển Đông. Động thái trên diễn ra vào thời điểm mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang rơi vào căng thẳng. Biển Đông là một trong số nhiều “điểm nóng” trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai bên còn đối đầu nhau gắt gắt trong một cuộc chiến thương mại, trong vấn đề Hồng Kông, Đài Loan và các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, hồi đầu tuần này, Trung Quốc đã tức giận lên tiếng kêu gọi quân đội Mỹ ngừng ngay các hoạt động phô trương sức mạnh ở Biển Đông cũng như tránh không làm gia tăng “tình trạng bất ổn” trong vấn đề Đài Loan. Lời kêu gọi được Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Wei Fenghe đưa ra cho người đồng cấp Mỹ Mark Esper nói trên đã được một phát ngôn viên của Trung Quốc thuật lại vào hôm 18/11, khoảng 2 tuần sau khi một quan chức hàng đầu của Nhà Trắng vừa lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc “dọa dẫm, bắt nạt” ở Biển Đông.
Thông tin về lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Esper công khai cáo buộc Bắc Kinh “đang ngày càng gia tăng các hoạt động dọa dẫm và ép buộc nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược” trong khu vực.
Trong các cuộc đối thoại kín bên lề cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ở Bangkok, Bộ trưởng Wei đã kêu gọi người đồng cấp Esper "chấm dứt các hành động phô trương sức mạnh ở Biển Đông và không khiêu khích cũng như làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”, phát ngôn viên Wu Qian cho hay.
Ngay sau khi Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo nói trên, Mỹ trong hai ngày liên tiếp đã cho tàu chiến đến tiếp cận gần các quần đảo mà Bắc Kinh đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Cụ thể, hôm 20/11, tàu chiến đấu ven biển Gabrielle Giffords của Mỹ đã đi vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với Đá Vành Khăn của Việt Nam ở Biển Đông, bà Reann Mommsen – một nữ phát ngôn viên của Hạm đội Số 7 của Hải quân Mỹ, cho biết.
Ngày hôm sau (21/11), Mỹ tiếp tục cho tàu khu trục Wayne E. Meyer đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bà Mommsen cho hay.
"Những nhiệm vụ trên được thực hiện dựa trên luật pháp và thể hiện cam kết trong việc duy trì các quyền, sự tự do và việc sử dụng vùng biển và vùng trời hợp pháp được đảm bảo cho mọi quốc gia”, nữ phát ngôn viên của Hạm đội Số 7 của Mỹ nhấn mạnh.
Mỹ đang tăng cường thực hiện các chuyến đi tuần tra ở Biển Đông để gửi đi một thông điệp cho Trung Quốc. Thông điệp đó là Mỹ sẽ duy trì sự tự do ở khu vực có tầm quan trọng then chốt với thương mại toàn cầu này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 19/11 đã phát biểu cứng rắn như vậy.
“Thông điệp rõ ràng mà chúng tôi cố gắng phát đi là chúng tôi thực chất không phải đang chống Trung Quốc mà tất cả chúng tôi chỉ đứng lên bảo vệ luật pháp quốc tế và chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc nên tuân theo luật quốc tế”, Bộ trưởng Esper nhấn mạnh.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
Trung Quốc đã và đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây liên tiếp cho triển khai vũ khí, trong đó có các tên lửa, đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Khi Trung Quốc leo thang các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Mỹ cũng đã gia tăng áp lực với Trung Quốc bằng những lời chỉ trích, lên án công khai cùng với các hoạt động quân sự. Mỹ liên tục cho các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông. Mỹ cũng tiến hành các
Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và đang tìm cách dọa dẫm các nước láng giềng Châu Á để ngăn không cho họ thực hiện hoạt động khai thác các nguồn lực thiên nhiên chính đáng trong khu vực.