Cập nhật 7h30 ngày 14/3: Đại dịch Covid-19 khiến châu Âu 'điên đảo', thêm các ca đầu tiên ở các nước

Tại Italy - quốc gia được coi là tâm dịch của châu Âu, tính đến 18h00 ngày 13/3 (theo giờ địa phương), Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo, tổng số ca mắc bệnh Covid-19 tại nước này đã lên đến 17.660 trường hợp. Trong đó, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là 14.955 trường hợp, tăng 2.116 ca so với ngày 12/3; số ca tử vong là 1.266, tăng 250 ca. Ngoài ra có 1.439 ca điều trị thành công, tăng 181 trường hợp.

Cố vấn y tế của Chính phủ Italy, ông Walter Ricciardi cho rằng phải ít nhất 2 tuần dịch bệnh mới có xu hướng giảm.

Tại Pháp, tối 12/3, Tổng thống Macron đã lần đầu tiên phát biểu trực tiếp trên truyền hình Pháp về tình hình dịch Covid-19 tại Pháp, nhấn mạnh virus corona là dịch bệnh nghiêm trọng nhất mà Pháp đối mặt trong một thế kỷ gần đây, dịch mới chỉ ở thời điểm bắt đầu và đang lan nhanh khắp châu Âu. Pháp ghi nhận 2.876 ca nhiễm trong đó có 61 trường hợp tử vong.

Tại Đức, đã có hơn 2.500 người nhiễm, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo 70% dân số Đức có nguy cơ bị nhiễm nếu tình hình vẫn không thay đổi.

Tình hình tại Tây Ban Nha đang trầm trọng thêm khi số ca nhiễm đã vọt lên 2.968 người, trong khi số ca tử vong cũng tăng gần gấp đôi, từ 48 hôm 11/3 tăng lên 84 hôm 12/3. Vùng Madrid bị ảnh hưởng nhất, với 1.388 ca nhiễm, chiếm gần một nửa ca nhiễm cả nước.

Đến chiều 12/3, số ca nhiễm tại Thụy Điển đã gần 650, trong đó số ca mắc tại Stockholm chiếm gần nửa; có 1 trường hợp tử vong, 1 trường hợp đang được chăm sóc đặc biệt. Chính phủ đang lập một ngân sách bổ sung, phân bổ thêm ngân sách cho một số cơ quan chính phủ, các cơ sở y tế và các công ty để chống lại tác động của virus.

Tại Thụy Sỹ xác nhận có 815 người nhiễm, trong đó có 6 ca tử vong. Ngày 11/3, bang Ticino đã công bố tình trạng khẩn cấp theo đó bang áp dụng những biện pháp khẩn cấp như đóng cửa các rạp chiếu phim, khu du lịch trượt tuyết, phòng tập gym, hộp đêm và một số trường học cho đến cuối tháng 3.

Ba Lan đã có ca tử vong đầu tiên. Đó là một phụ nữ, 57 tuổi, ở Poznan, miền tây Ba Lan. Số ca nhiễm hiện nay tại Ba Lan là 47. Ba Lan thông báo sẽ đóng cửa biên giới với tất cả du khách nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới SARS-CoV-2

Hiện Slovakia có 16 trường hợp nhiễm bệnh và khoảng 100 người bị cách ly.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam trong ngày 13/3 đã ghi nhận thêm 3 bệnh nhân nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm đến nay lên tới 47, trong đó 16 người đã được chữa khỏi và xuất viện. Các bệnh nhân mới ở Việt Nam là:

BN45: Bệnh nhân nam, trú quán tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 34.

BN46: Bệnh nhân nữ, 30 tuổi, địa chỉ ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội; là tiếp viên hàng không trên chuyến bay từ London về Hà Nội ngày 9/3.

BN47: Bệnh nhân nữ, 43 tuổi, địa chỉ ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội; là giúp việc trong tòa nhà của BN17, có tiếp xúc gần.

Chính phủ Hungary đã ban bố tình trạng khẩn cấp - điều chưa từng có trong lịch sử Hungary 30 năm qua kể từ khi Hungary thay đổi thể chế. Tình trạng khẩn cấp này sẽ có hiệu lực trong vòng 15 ngày kể từ lúc 15h ngày 11/3.

Ukraine thông báo sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài trong ít nhất 2 tuần và sẽ tạm dừng toàn bộ các hoạt động đường không. Thông tin trên được đưa ra ngay trước khi Ukraine xác nhận có ca tử vong đầu tiên vì virus SARS-CoV-2. Đây được xem là biện pháp mạnh tay của Kiev nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan.

Trong khi đó, Tổng thống CH Cyprus Nicos Anastasiades thông báo sẽ không cho tất cả công dân nước ngoài nhập cảnh từ ngày 15/3 và quyết định này sẽ được duy trì trong 15 ngày.

Thế giới cũng ghi nhận nhiều ca mắc mới.

Bộ Y tế Mauritania thông báo, nước này ghi nhận ca đầu tiên nhiễm virus corona Covid-19. Bệnh nhân là một người đàn ông châu Âu sống tại Mauritania, người vừa trở về thủ đô Nouakchott của quốc gia Tây Phi này vào ngày 9/3 và được cách ly kể từ đó.

Guatemala xác nhận nước này có trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19. Trong tuyên bố tại một buổi họp báo, Tổng thống Giammattei cho hay bệnh nhân đầu tiên dương tính với Covid-19 là một công dân nước này trở về từ miền Bắc Italy, hiện đã được cách ly tại bệnh viện Villa Nueva để điều trị. Từ ngày 25/2, Chính phủ Guatemala đã ban bố tình trạng cảnh báo cấp cao nhất trên cả nước trước tình hình dịch bệnh đang lây lan nhanh tại khu vực Mỹ Latinh.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez xác nhận nước này đã xuất hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19, đồng thời thông báo quyết định của chính phủ tạm thời đóng cửa tất cả các trường học kể từ ngày 16/3 để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.

Ai Cập thông báo phát hiện thêm 13 ca nhiễm Covid-19. Như vậy, hiện tổng số ca mắc Covid-19 được ghi nhận ở Ai Cập đã tăng lên tới 93 trường hợp. Những trường hợp mới phát hiện nêu trên đã tiếp xúc với người trước đó được ghi nhận là đã mắc Covid-19. Tính đến nay tại Ai Cập đã có 2 trường hợp tử vong do căn bệnh nguy hiểm này.

Trước đó, Colombia đã ra lệnh tạm dừng các chuyến bay từ Colombia và Liên minh châu Âu trong thời gian 1 tháng. Các cửa khẩu của Venezuela cũng đã được lệnh tăng cường giám sát những người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh.

Ngày 13/3, trong một nỗ lực được giới quan sát đánh giá là “đặc biệt” để hạn chế đà lây lan của Covid-19, Hạ viện Canada đã quyết định tạm ngừng hoạt động đến ngày 20/4/2020.

*Ngày 13/3, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi thế giới chung tay đối phó và ngăn chặn đại dịch Covid-19 có thể sẽ vẫn lan rộng tới ngưỡng đỉnh.

Trong thông điệp video phát ra từ trụ sở LHQ tại New York chiều tối ngày 13/3, ông nhấn mạnh đây là lúc thế giới cần cẩn trọng nhưng không sợ hãi, đồng thời dựa vào khoa học và thực tiễn để có giải pháp tốt nhất chống đại dịch, dù rằng người dân khắp nơi sẽ còn phải chịu ảnh hưởng kinh tế, xã hội nặng nề trong mấy tháng tới.

Tổng Thư ký Guterres bày tỏ lạc quan đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát và nhiều người sẽ sớm khỏi bệnh, phục hồi nhưng trước hết cả thế giới cần phải cùng nhau đoàn kết hành động, thực hiện hiệu quả các chiến lược cách ly vùng dịch, kích hoạt và vận hành các hệ thống đối phó dịch khẩn cấp, tăng cường khả năng xét nghiệm và chăm sóc người bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở y tế và có biện pháp can thiệp cứu bệnh nhân hiệu quả.

Cùng ngày 13/3, tại Geneva, Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) đã ra mắt Quỹ Đoàn kết Đối phó Dịch Covid-19 (Covid-19 Solidarity Response Fund) để tiếp nhận đóng góp của các mạnh thường quân, cá nhân cũng như tổ chức, muốn chung tay chiến đấu chống đại dịch.


Nguồn: Báo TG&VN

Tin liên quan