Chống dịch Covid-19: Đích đến cuối cùng của hàng hoá, thuốc men là tới tận tay người dân

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Nguồn: VGP.

Xem xét thêm khoảng 20.000 shipper, nhân viên siêu thị để đáp ứng nhu cầu mua hàng 

Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá những việc đã làm sau 7 ngày thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thống nhất những công việc cần triển khai tiếp trong thời gian tới.

Các thành viên Tổ công tác và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thống nhất trong những ngày tới phải tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách. Tuy nhiên, khi bước sang tuần thứ hai thực hiện tăng cường giãn cách nhiều hộ dân đã bắt đầu hết nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu dự trữ. Số lượng đơn mua hàng, yêu cầu đi chợ hộ đang tăng nhanh. Tuy nhiên, nhiều gia đình phải chờ đợi 2 đến 3 ngày mới nhận được hàng, thậm chí một siêu thị đã ngừng nhận đơn mua hàng của người dân.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết Thành phố đang xem xét, cân nhắc những biện pháp bảo đảm an toàn trong việc huy động thêm khoảng 20.000 nhân viên siêu thị, cho phép lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) hoạt động tại các quận, huyện vùng đỏ và TP. Thủ Đức, để đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định tăng cường giãn cách xã hội từ ban đầu là tối cần thiết, tới tận từng tổ dân phố. Ngay khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu tăng cường giãn cách, Phó Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và đánh giá sẽ phải đưa lực lượng shipper vào hoạt động để bảo đảm vận chuyển kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hoá cho người dân.

Shipper hoạt động ở các quận, huyện vùng đỏ và TP. Thủ Đức sẽ được xét nghiệm nhanh

Theo phương án được TP Hồ Chí Minh thống nhất với Bộ Y tế, các shipper đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19. Những shipper hoạt động ở các quận, huyện vùng đỏ và TP. Thủ Đức sẽ được xét nghiệm nhanh, mẫu gộp 3 mẫu đơn hằng ngày tại trạm y tế lưu động. Những shipper tại 14 quận, huyện vùng xanh xét nghiệm nhanh, mẫu gộp 3 mẫu đơn, 2 ngày/lần. Số nhân viên siêu thị tăng thêm cũng phải là những người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, được xét nghiệm hằng ngày.

Phó Thủ tướng đồng ý với phương án xét nghiệm của Bộ Y tế để bảo đảm an toàn cho đội ngũ shipper, cần coi đây là lực lượng tham gia chống dịch.

“Thành phố đề nghị tăng thêm bao nhiêu người không quan trọng bằng việc phải có phương án kiểm soát, sử dụng lực lượng shipper chuyên nghiệp một cách an toàn”, Phó Thủ tướng nói.

Về phương án quản lý đội ngũ shipper, hiện TP Hồ Chí Minh đang cân nhắc giữa phương án tập trung và phương án phân tán.

Tổ Công tác đồng tình với đề nghị của Thành phố và yêu cầu căn cứ vào tình hình thực tiễn ở từng xã/phường, quận/huyện để lựa chọn phương án cụ thể nhằm bảo đảm nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối an toàn đối với đội ngũ shipper.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Bí thư, Chỉ huy trưởng chống dịch tại các quận, huyện chịu trách nhiệm điều phối về phạm vi hoạt động của các shipper trên nguyên tắc “mỗi xã, phường là một pháo đài” bảo đảm an toàn. Sở Y tế cần kết nối, chia sẻ với Công an TP Hồ Chí Minh về dữ liệu xét nghiệm của các shipper để kiểm soát, quản lý chặt chẽ.

Về bảo đảm nguồn hàng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết hiện có khoảng 10.000 đầu mối đóng các túi hàng combo lương thực, thực phẩm, rau xanh (1 túi 10 kg) từ Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang… cung cấp cho TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, có thể vận chuyển trực tiếp đến tận các xã, phường của TP Hồ Chí Minh trong vòng 24 giờ.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đề nghị tăng thêm lượng rau xanh trong các túi an sinh, nhất là những gia đình có trẻ em, người có sức khoẻ yếu; hỗ trợ thêm hoa quả, khẩu phần dinh dưỡng cho người nhiễm Covid-19 (F0) đang cách ly, điều trị tại nhà.

Sau khi bảo đảm việc đặt mua hàng, đi chợ hộ cho người dân được thuận lợi, thông suốt, Thành phố có thể xem xét phát động, kêu gọi những gia đình có điều kiện kinh tế đặt mua những túi hàng combo giúp đỡ người khó khăn ở xung quanh.

Đảm bảo không được để người dân thiếu thuốc

Tại cuộc họp, Thượng tướng Võ Minh Lương cho biết, ông rất nóng ruột về việc bảo đảm thuốc điều trị cho F0 đang cách ly, điều trị tại nhà và các trạm y tế tuyến dưới khi những ngày qua tất cả quận, huyện, TP. Thủ Đức tăng cường việc xét nghiệm diện rộng, nên số lượng F0 được phát hiện rất lớn.

"Chúng tôi rất lo lắng. Nếu thiếu ăn một hai bữa còn chịu được, chứ thiếu thuốc một giờ sẽ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người dân", Thượng tướng Võ Minh Lương bày tỏ.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh chia sẻ trong một số lần cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thượng tướng Võ Minh Lương đi thăm một số quận, huyện, trạm y tế lưu động, khi Phó Thủ tướng hỏi thì các nơi đều cho biết đang thiếu thuốc phát cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà

Trao đổi về việc này, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết, ngành y tế Thành phố đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc hỗ trợ điều trị cho F0 tại nhà và đã phát 42.000 túi, số còn lại đang ở trung tâm y tế các quận, huyện.

“Đích đến cuối cùng của hàng hoá, thuốc men là tới tận tay người dân chứ không phải nằm ở quận/huyện, xã phường”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam cho hay, sẽ sẵn sàng điều lực lượng để hỗ trợ ngành y tế đưa thuốc nhanh xuống cho y tế địa phương, thậm chí tận các phường để phát nhanh cho các F0.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chỉ đạo Sở Y tế phải chuyển ngay thuốc điều trị xuống cho các phường theo nguyên tắc số lượng thuốc cấp phải nhiều hơn số lượng F0 được ghi nhận trên địa bàn, có cơ số thuốc dự trữ nhất định tại các trạm y tế, để kịp thời cấp ngay cho những F0 mới phát hiện.

Để bảo đảm người dân được nhận đủ thuốc, lương thực, thực phẩm hỗ trợ, Tổ Công tác đề nghị TP Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo công khai số điện thoại của tổ dân phố, lãnh đạo xã, phường để tất cả người dân được biết, gọi điện liên hệ khi cần hỗ trợ về y tế, lương thực, thực phẩm…

Thượng tướng Võ Minh Lương, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đến tận từng tổ dân phố, khu dân phố. Giám đốc các sở, ngành, bí thư, chủ tịch các quận/huyện, xã phường phải tăng cường kiểm tra trực tiếp, chịu trách nhiệm trực tiếp trước lãnh đạo Thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận chủ trương có, biện pháp có nhưng triển khai thực hiện tại cơ sở có nơi chưa tốt. Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra việc cấp thuốc, phát túi an sinh cho người dân. Từ hôm qua (28/8), nhiều tổ công tác gồm các cán bộ của Thành phố xuống tận xã, phường để hỗ trợ, nắm bắt tình hình, giám sát việc thực hiện công tác chăm lo cho F0 cách ly, điều trị tại nhà, chăm lo an sinh xã hội cho bà con.

Bộ Y tế cần thống nhất với TP Hồ Chí Minh phương án khẳng định những F0 đã khỏi bệnh là an toàn

Trước thực tế TP Hồ Chí Minh đang thiếu nhân lực hỗ trợ phòng, chống dịch và một số hoạt động cần thiết, Tổ Công tác, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã bàn và thống nhất về sự cần thiết phải huy động thêm những F0 đã khỏi bệnh, đủ sức khoẻ.

Trước thời điểm TP Hồ Chí Minh bước vào đợt giãn cách tăng cường, chiều 22/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao đổi, thống nhất với Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên kêu gọi những F0 đã khỏi bệnh, đủ sức khỏe tình nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại địa phương. Vừa qua, một số xã phường đã kêu gọi các F0 khỏi bệnh tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian qua, số lượng F0 khỏi bệnh ở TP Hồ Chí Minh rất lớn. Bộ Y tế cần thống nhất với Thành phố phương án khẳng định những F0 đã khỏi bệnh là an toàn.

Thời gian tới, Thành phố nên có chương trình huy động các F0 khỏi bệnh và an toàn theo quy định của ngành y tế để sử dụng hiệu quả những người này phục vụ công tác chống dịch và các hoạt động cần thiết; tạo thu nhập cho một bộ phận những F0 đã khỏi bệnh có hoàn cảnh còn khó khăn.

Việc các F0 đã khỏi bệnh tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch và một số hoạt động cần thiết sẽ cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn ban đầu để TP Hồ Chí Minh chuẩn bị xây dựng các phương án, lộ trình khôi phục các hoạt động trong trạng thái bình thường mới từng bước chắc chắn, khoa học như yêu cầu của Tổ Công tác tại cuộc giao ban.

Các thành viên của Tổ Công tác đã trao đổi về một số kiến nghị cụ thể của Thành phố về tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin, duy trì và chi viện thêm cán bộ, nhân viên y tế, bảo đảm thuốc, trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân Covid-19…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý TP Hồ Chí Minh phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để tạo được miễn dịch cộng đồng sớm nhất, như một điều kiện cần thiết để đưa cuộc sống của Thành phố dần quay lại trạng thái bình thường mới

Nguồn GDTĐ

Tin liên quan