Tuần Việt Nam giới thiệu phần 2 cuộc bàn tròn trực tuyến với bà Nguyễn Thị Hương Lan - Phó cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) về công tác bảo hộ công dân giữa đại dịch
Không giới hạn địa bàn
Đội ngũ cán bộ ngoại giao đã nỗ lực như thế nào cho công tác bảo hộ công dân khi đại dịch chưa có dấu hiệu chững lại, thưa bà?
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát mạnh tại nhiều khu vực trên thế giới, với phương châm bảo hộ công dân chủ động, nhanh chóng, hiệu quả, Cục Lãnh sự luôn ưu tiên triển khai một số công việc cụ thể:
Tiếp tục rà soát, cập nhật tình hình, số liệu công dân Việt Nam ở nước ngoài thông qua các kênh liên lạc hiệu quả hiện thời, đặc biệt là tập hợp, thống kê số người có nhu cầu về nước để triển khai các biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Đẩy mạnh hợp tác với sở tại để kịp thời trao đổi, phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân Việt Nam; Phân cấp mức độ ảnh hưởng, tính cấp thiết của vấn đề tại từng khu vực để đề xuất phương án đưa công dân về nước hợp lý, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Bên cạnh đó, Cục Lãnh sự thường xuyên phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đề nghị các nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để công dân ta được tiếp cận và đảm bảo các điều kiện về y tế, an ninh, an toàn cũng như các hỗ trợ cần thiết khác như thủ tục, giấy tờ liên quan để đưa công dân về nước theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Cùng với phương châm “chống dịch như chống giặc”, để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Ngoại giao trong vai trò thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Cục Lãnh sự tiếp tục chủ trì, phối hợp triển khai công tác bảo hộ công dân theo tinh thần phản ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó, không có giới hạn về địa bàn, đảm bảo các yêu cầu cách ly, giám sát y tế phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Cán bộ ngoại giao phải tự cách ly
Công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài giữa đại dịch có gặp khó khăn nào không?
Dịch bệnh Covid-19 là một cuộc khủng hoảng y tế trên toàn thế giới chưa từng có tiền lệ trong thời hiện đại, đặt ra rất nhiều khó khăn cho công tác bảo hộ công dân.
Trước hết, dịch bệnh khiến nhiều cơ quan đại diện ta ở nước ngoài gặp khó khăn về nguồn nhân lực. Không phải cơ quan nào cũng có cán bộ chuyên trách bảo hộ công dân. Một số cán bộ ngoại giao phải tự cách ly vì tiếp cận nhóm đối tượng F1, F2.
Thứ hai, việc tổ chức các chuyến bay cũng có nhiều phức tạp; có nơi rất khó xin phép bay, trong khi có nơi các chuyến bay lại phải tổ chức ở những địa điểm rất hẻo lánh, xa xôi để có thể đón tối đa công dân.
Thứ ba, khó khăn trong việc triển khai công tác bảo hộ công dân do ảnh hưởng của Covid-19 mà công dân ta thường gặp hoặc có nguy cơ nhiễm Covid-19 nhưng khó tiếp cận dịch vụ y tế; Hết hạn thị thực trong khi không thể về nước; Bị nước ngoài trục xuất do vi phạm pháp luật; Bị nhiễm Covid-19 và cần được hỗ trợ điều trị; Giai đoạn đầu dịch mới bùng phát ở các nước châu Á, công dân ta nói riêng và người châu Á nói chung bị kỳ thị, coi là nguồn lây bệnh.
Thứ tư, vấn đề quản lý biên giới đất liền đặc biệt trong tháng 3-4/2020 khi đánh giá khả năng công dân ồ ạt về nước với số lượng vài nghìn người/ngày, tạo ra sức ép rất lớn đối với công tác kiểm soát, tiếp nhập, cách ly.
Không chấp hành cách ly bị xử lý theo quy định pháp luật
Phó cục trưởng Cục Lãnh sự đưa ra khuyến cáo gì với bà con ta ở nước ngoài?
Trong giai đoạn triển khai công tác đưa công dân về nước, một số chuyến bay đã phát hiện có công dân Việt Nam bị nhiễm bệnh (chuyến bay trở về từ Nga về nước ngày 13/5; chuyến bay từ UAE về ngày 3/5; chuyến bay từ Guinea Xích Đạo về...), phần nào đó cũng gây tâm lý căng thẳng trong công tác phòng chống dịch.
Nhu cầu về nước là quyền lợi chính đáng của mỗi công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động ở nước ngoài, nhưng để đồng lòng chia sẻ với những nỗ lực cũng như khó khăn của Việt Nam hiện nay (nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh), bà con ta cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng, đưa ra quyết định đúng đắn có nên về nước hay không trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Cụ thể là đánh giá tình hình phòng chống dịch tại các nước/vùng lãnh thổ đang sinh sống; rủi ro trên các chuyến bay di chuyển về nước..
Ngoài ra, bà con ta ở nước ngoài cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, thường xuyên kiểm tra, cập nhật quy định của nước sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để thực hiện chuyến đi (đặc biệt là các giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe nếu có). Trường hợp không có đầy đủ giấy tờ cần thiết có thể bị phía nước ngoài từ chối cho quá cảnh hoặc xuất cảnh.
Đối với những người từ nước ngoài trở về hoặc về từ/đi qua vùng có dịch cần: Thực hiện khai tờ khai y tế chính xác, trung thực khi nhập cảnh; Chấp hành nghiêm túc việc giám sát y tế và cách ly 14 ngày theo quy định. Những hành vi che giấu, không khai báo, cố ý cung cấp thông tin sai sự thật, không chấp hành cách ly sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Những người vì lý do bất khả kháng, phải trở về Việt Nam trong thời gian này cần thường xuyên kiểm tra cập nhật quy định của nước sở tại và của các hãng hàng không vận chuyển; Đảm bảo có đầy đủ giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để có thể thực hiện chuyến đi...
Làm thế nào để công tác bảo hộ công dân luôn là điểm tựa cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thưa bà?
Cục Lãnh sự thường xuyên phối hợp các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiến hành nhiều biện pháp bảo hộ công dân ở nước ngoài.
Còn ở trong nước, Cục đã phối hợp với các đơn vị trong Bộ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Việc thông tin, tuyên truyền nhanh, đúng, đủ tới công dân, để công dân hiểu rõ và tin tưởng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân, ủng hộ phối hợp thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.
Tính từ đầu năm đến nay, Bộ Ngoại giao đã phát đi hơn 50 bản tin bảo hộ công dân, hơn 100 câu trả lời của người phát ngôn tại họp báo thường kỳ cũng như trả lời riêng có liên quan đến đại dịch Covid-19 và công tác bảo hộ công dân...
Chuyến bay đặc biệt
Các cán bộ ngoại giao đã nỗ lực như thế nào để phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện thành công chuyến bay đưa 219 công dân Việt Nam với hơn 120 người dương tính với Covid-19 từ Guinea Xích Đạo về nước?
Ngay từ khi tiếp nhận thông tin, Cục Lãnh sự đã chủ động phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đề nghị các cơ quan chức năng sở tại đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các công dân tại Guinea Xích Đạo. Chúng tôi đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước và các phương án cách ly nhằm tránh việc lây lan dịch bệnh. Chuyến bay này rất đặc biệt khi có hơn 120 người dương tính với Covid-19.
Việc tổ chức chuyến bay ở quốc gia không có cơ quan đại diện Việt Nam trong bối cảnh các nước ở châu Phi đang áp dụng chính sách hạn chế đi lại cũng khiến công tác bảo hộ công dân của các cán bộ ngoại giao ta ở Angola khá vất vả.
Công tác tác xây dựng các phương án và kế hoạch tổ chức chuyến bay đưa những công dân nêu trên về nước được các bộ, ngành phối hợp và lên phương án cụ thể để làm sao việc đón các công dân về nước được an toàn và giảm thiểu việc lây lan trong quá trình bay xuống mức thấp nhất.
Ngoài phương án đưa về, việc tiếp nhận và chữa trị cho các công dân bị nhiễm bệnh, những người đi cùng và phi hành đoàn cũng được bố trí rất cẩn thận, chi tiết. Trên chuyến bay đón công dân từ Guinea Xích Đạo về nước, toàn bộ công dân và phi hành đoàn sau khi về đến Việt Nam được sử dụng phương tiện chuyên dụng để đưa về bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ 2 theo dõi, điều trị và cách ly.