Chuyên gia Nga tiết lộ lý do thực của việc rút quân khỏi Đảo Rắn

Nguyên nhân thực dẫn đến việc Nga rút quân khỏi Đảo Rắn đã được chuyên gia quân sự của nước này giải đáp.

Vào ngày 30/6, Bộ Quốc phòng Nga trong một cuộc họp báo đã cho biết về việc lực lượng vũ trang nước này đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và bắt đầu rút quân khỏi Đảo Rắn (Zmeiny) của Ukraine

Trong cộng đồng chuyên gia quân sự Nga, họ ngay lập tức phản ứng với những gì xảy ra, trong đó tập trung vào việc giải thích tại sao Bộ Quốc phòng nước này lại đi tới quyết định nói trên.

Tiến sĩ khoa học quân sự, Đại tá hải quân đã nghỉ hưu Konstantin Sivkov - Phó chủ tịch Viện Khoa học tên lửa và pháo binh Nga trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitExpert đã trình bày một số quan điểm của mình.

Theo ông Sivkov, Lực lượng vũ trang Nga đóng trên Đảo Rắn có thể bị đe dọa bởi các cuộc pháo kích quy mô lớn từ Quân đội Ukraine, vì vậy cấp chỉ huy đã quyết định sơ tán binh sĩ và thiết bị khỏi hòn đảo.

Ông Sivkov nói rõ, Quân đội Ukraine đã triển khai trên đảo Kuban, nằm ở đồng bằng sông Danube, cách Đảo Zmeiny chỉ 36 km một khẩu đội pháo tự hành CAESAR cỡ nòng 155 mm do Pháp sản xuất và mới được Paris viện trợ.

"Có thể giả định rằng dữ liệu tình báo đã cho biết về việc Lực lượng vũ trang Ukraine đang chuẩn bị một cuộc tấn công quy mô lớn vào hòn đảo này, nếu vậy binh lính sẽ phải hứng chịu thương vong rất lớn" ông Sivkov bình luận.

Một quan điểm tương tự cũng được thể hiện bởi kênh Telegram có tên Rybar, sau khi trích dẫn nguồn tin riêng đã cho rằng ngoài pháo tự hành CAESAR, Quân đội Ukraine còn đưa tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U đến khu vực Odessa.

Như vậy mật độ hỏa lực từ một cuộc tấn công của Lực lượng vũ trang Ukraine đã tăng lên gấp nhiều lần, cho nên bắt buộc binh sĩ Nga phải tiến hành một cuộc di tản khỏi hòn đảo để tránh bị tổn thất lớn.

"Giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự đặc biệt tập trung vào vùng Donbass, vì vậy rõ ràng phải rút lui để bảo toàn lực lượng khi không cần thiết phải giữ vị trí như Đảo Rắn", một bình luận cho biết.

Tuy nhiên quan điểm này lại đặt ra vài câu hỏi. Vấn đề là Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào ngày 29/6, một khẩu đội pháo tự hành CAESAR bố trí ở Kuban đã bị phá hủy, họ thậm chí còn đưa ra một đoạn video để làm bằng chứng.

Nếu vậy chắc chắn Lực lượng vũ trang Ukraine không thể đưa khẩu đội CAESAR thứ hai của mình tới đây vì nó vẫn nằm ở Donbass, nơi đang diễn ra các trận chiến ác liệt và thậm chí còn có thông tin rằng 2 khẩu pháo loại này đã bị bắt giữ bởi người Nga.

Trong khi các thông tin trên vẫn chưa được xác nhận một cách chính xác thì khẩu đội CAESAR thứ ba mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa sẽ tặng cho người đồng cấp Vladimir Zelensky, đơn giản là vẫn chưa được đưa từ Pháp đến Ukraine.

Đối với sự hiện diện của tên lửa Tochka-U cổ đại, do cây cầu bắc qua cửa sông Dniester đã bị hư hại, những xe mang phóng tự hành sẽ phải bắn tên lửa đạn đạo từ khoảng cách tối đa cho tầm bắn của chúng.

Điều này tạo thuận lợi rất nhiều cho công tác phòng không, chưa dừng lại đó, sai số của tên lửa Tochka-U rất lớn, tỉ lệ thuận với tầm bắn mà nó được sử dụng, cho nên khó lòng gây hại được cho quân Nga.

Cần nói thêm rằng cách đây một tuần, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Quân đội Ukraine đã tấn công với sự trợ giúp của pháo phản lực Uragan cỡ nòng 220 mm và pháo kéo M777 cỡ 155 mm do Mỹ sản xuất, chúng khai hỏa từ Kuban về các vị trí của Nga trên Đảo Rắn.

Đối với quân Nga, những hệ thống vũ khí này có vẻ nguy hiểm hơn so với hai chủng loại được liệt kê ở trên, khi Ukraine có trong tay số lượng lớn và việc đánh chặn bằng hệ thống phòng không là rất khó.

Ngoài ra cũng cần nhắc lại rằng thông cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga nói rõ, quyết định rút quân đồn trú khỏi hòn đảo được đưa ra hoàn toàn vì lý do nhân đạo.

Moskva không muốn Kyiv tiếp tục suy đoán về chủ đề khủng hoảng lương thực trên thế giới, vốn được cho là có thể xảy ra do Nga hoàn toàn kiểm soát Biển Đen, điều này ngăn cản việc xuất khẩu lúa mì và các loại cây nông nghiệp khác.

Nguồn: anninhthudo.vn

Tin liên quan