Cơ quan chức năng đã đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động thu gom găng tay đã qua sử dụng của Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM (Công ty BM), thu giữ hàng chục tấn găng tay bẩn đang chuẩn bị được tái chế và rất nhiều thành phẩm chuẩn bị được mang đi tiêu thụ.
Quản lý các kho cũng như công nhân khai nhận, mỗi tấn găng tay cao su đã qua sử dụng được thu gom mua với giá khoảng 5 triệu đồng, sau đó chỉ cần qua các công đoạn “tái chế” được làm bằng thủ công để xuất bán ra thị trường.
Theo đó, quá trình tái chế găng tay rất đơn giản như phân loại theo tiêu chí bẩn hoặc hơi bẩn. Số được lựa chọn sẽ đổ ra bàn cho công nhân làm phẳng bằng vuốt, kéo giãn những chỗ nhăn nhúm rồi xếp lại thành chồng. Công đoạn này hoàn toàn không có các công đoạn tẩy rửa, vệ sinh hay khử trùng.
Mỗi một bó găng tay 100 chiếc sẽ được công nhân cho vào túi nylon, xếp vào hộp rồi dán tem. Do đó, khi bóc những hộp găng tay được gọi là mới này ra, vẫn còn vô số găng tay bẩn ở bên trong.
Với thủ đoạn này, Công ty BM đã thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng mà không quan tâm đến nguy cơ cho người sử dụng như tăng nguy cơ nhiễm các bệnh lý và virus.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường cho hay: "Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh để thẩm tra xác minh làm rõ đường đi của các găng tay tái chế này như thế nào, lợi nhuận ra sao, để có căn cứ xử lý nghiêm các đối tượng".
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 25 tấn găng tay đã qua sử dụng cùng rất nhiều găng tay thành phẩm đã được tái chế bị cơ quan chức năng thu giữ.
Với giá mua vào khoảng 5 triệu đồng/1 tấn găng tay cũ, sau quá trình phù phép thành găng tay mới các đối tượng gian thương có thể bán với giá hàng trăm triệu đồng. Lợi nhuận khổng lồ nên những thủ đoạn này ngày càng phổ biến, bất chấp nguy cơ dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Giang, Trưởng Văn phòng luật sư Vũ Lợi cho hay, hành vi thu gom và bán lại găng tay đã qua sử dụng là hành vi gây ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội, tăng nguy cơ lây lan bệnh dịch cũng như các bệnh lý khác đến người tiêu dùng. Vì thế, cần xử lý nghiêm, tùy theo tính chất mức độ, động cơ và giá trị trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, áp dụng theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ tùy vào số lượng của hàng thật. Với số lượng hàng được thông tin, số tiền phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Nếu xác định đây là trang thiết bị y tế, mức phạt sẽ gấp đôi.
Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật vi phạm; Tịch thu phương tiện vi phạm; Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm; Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường
Ngoài ra, tùy vào các chứng cứ có được của cơ quan chức năng, hành vi làm giả này có thể cấu thành tội phạm thì đề nghị khởi tố để điều tra xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự hiện hành về tội danh “sản xuất, buôn bán hàng giả”.