Vài năm nay, phần lớn hãng smartphone đều phát triển thiết kế điện thoại dựa trên triết lý "loại bỏ viền". Họ thu hẹp tối đa phần viền màn hình, tìm cách cắt gọn hoặc giấu đi những chi tiết ở mặt trước như camera, cảm biến ánh sáng.
Trào lưu này tăng tốc từ khi iPhone X ra đời với phần khuyết đỉnh. Các hãng Android sau đó nhanh chóng nghĩ ra nhiều cách thu nhỏ phần khuyết như camera đục lỗ, giọt nước hay cơ cấu thò thụt. Tuy nhiên, tất cả phương án trên đều có khuyết điểm. Đó là lý do nhiều người chờ đợi các mẫu smartphone có camera ẩn dưới màn hình như một giải pháp toàn diện.
Dù đã nhiều hãng úp mở về smartphone có camera ẩn, VinSmart là một trong những công ty đầu tiên đưa ra sản phẩm thương mại. Mẫu Vsmart Aris Pro được tiết lộ vào tháng 9 và bắt đầu bán ra từ tháng 10 là smartphone chính hãng đầu tiên tại Việt Nam có camera nằm dưới màn hình. Trước đó, mẫu ZTE AXON 20 5G cũng có camera ẩn đã được một số cửa hàng đưa về dưới dạng xách tay nhưng không gây ấn tượng.
Camera ẩn có phải lời giải cho bài toán "không viền"?
Nhìn thoáng qua, có thể thấy ngay sự khác biệt của Vsmart Aris Pro so với nhiều thiết kế smartphone Android khác là máy không còn phần khuyết nào ở mặt trước. Không cần một "nốt ruồi" ở chính giữa hay góc, cũng chẳng có "giọt nước" như người anh em Aris bản phổ thông, màn hình của Vsmart Aris Pro tràn ra đến tận sát viền trên và hai bên.
Tuy nhiên, viền màn hình dưới của Aris Pro lại dày hơn ba viền còn lại khá nhiều. Điều đó khiến ngoại hình chiếc điện thoại này có phần kém trau chuốt nếu so với các mẫu smartphone cao cấp.
Bằng mắt thường, có thể nhận thấy khu vực đặt camera ẩn khi tắt màn hình. Để có thể vừa hiển thị như màn hình thông thường, vừa cho ánh sáng đi xuyên qua vào cảm biến ảnh, mật độ điểm ảnh ở phần camera ẩn phải thấp hơn khoảng một nửa so với các khu vực khác. Nói cách khác, phần màn hình này kém sắc nét hơn.
Điều đó thể hiện rõ nếu mở các nội dung có nền trắng như ứng dụng Facebook, các website. Lúc này, phần màn hình có camera sẽ luôn hiện lên với màu sắc lệch tông, nhìn thấy rõ là một khu vực khác biệt.
Tuy nhiên, nhược điểm sẽ bớt lộ rõ nếu người dùng mở các nội dung không quá sáng màu, và không còn nhận ra với nội dung nền đen. Đặc điểm của màn hình OLED là có thể tắt bớt điểm ảnh hiển thị khi hình ảnh tối màu, do vậy nhiều nội dung có nền tối như phim, game không làm lộ phần màn hình phía trên camera trước. Vsmart cũng khôn khéo sử dụng hình nền có nền tối ở phía trên, tương tự như cách Apple từng giấu phần "tai thỏ" với tấm nền trên iPhone.
Trong trải nghiệm thực tế, sau thời gian đầu chưa quen thì sau đó tôi gần như không bị khó chịu bởi phần màn hình này. Vị trí của nó nằm ở góc trên và khá nhỏ, gần như ít ảnh hưởng tới nội dung hiển thị dù là dùng mạng xã hội, lướt web hay xem phim. Nhiều ứng dụng xem nội dung còn không hiển thị được toàn màn hình, nên sẽ không lộ nhược điểm.
Ngoài phần camera ẩn, những nét thiết kế còn lại của Aris Pro gần như y hệt Aris. Máy sử dụng phần khung kim loại cùng mặt lưng nhựa, với độ hoàn thiện tốt. Cảm biến vân tay tích hợp cùng nút nguồn được đặt ở giữa cạnh phải khá dễ bấm. Aris Pro sử dụng cổng USB Type-C và vẫn có chân cắm tai nghe 3,5 mm.
Bên cạnh khu vực phía trên camera, phần còn lại của màn hình Aris Pro có chất lượng hiển thị tốt. Máy có màn hình 6,39 inch, độ phân giải 1.080 x 2.340 pixel và dùng tấm nền AMOLED. Màn hình của Aris Pro cho màu sắc rực, độ tương phản cao, góc nhìn rộng và hiển thị tốt ngoài trời.
Việc trang bị camera ẩn dưới màn hình là ý tưởng tốt để đạt tới thiết kế "không viền". Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là giải pháp toàn diện. Bên cạnh ảnh hưởng tới chất lượng hiển thị có thể bỏ qua, thì công nghệ này còn khiến trải nghiệm chụp ảnh selfie khá khác lạ.
Máy ảnh trước không dành cho người thiếu kiên nhẫn
Ở smartphone thông thường, nằm phía trên cảm biến máy ảnh sẽ là những thấu kính trong suốt để thu được nhiều ánh sáng nhất. Ngược lại, trên Vsmart Aris Pro đó là tấm nền màn hình với lượng điểm ảnh ít hơn bình thường. Thiết kế này không chỉ làm cho lượng ánh sáng ít đi, mà còn có thể gây ra những lỗi về quang học khiến ảnh không được nét, trong như camera thông thường.
Khi mở Aris Pro lên lần đầu và chụp selfie, bạn có thể cảm thấy ngạc nhiên vì hình ảnh bị mờ, nhòe như chụp từ một ống kính bị xước. Đó là hình ảnh "thật", chưa qua xử lý mà cảm biến ghi nhận được. Sau khi bấm nút chụp, máy sẽ xử lý khoảng 3 giây để tăng độ sắc nét, giảm mờ.
Có lẽ Aris cũng chụp nhiều ảnh cùng lúc để có thêm dữ liệu xử lý, do vậy ảnh lúc chụp và sau khi xử lý có thể bị lệch một chút. Đây là điểm trừ nếu bạn chụp selfie nhiều người, vì rất dễ rơi vào cảnh người đẹp, người xấu.
Ảnh chụp selfie sau xử lý có độ nét gần được như các máy bình thường, không còn nhòe như khi xem trước. Tuy nhiên, nếu so với các smartphone tập trung vào camera trước thì chất lượng ảnh từ Aris Pro vẫn không bằng. Độ phân giải ảnh selfie là 20 MP có lẽ cũng bù đắp phần nào cho phần bị màn hình che mất. Aris Pro vẫn được trang bị những hiệu ứng cho camera trước như làm đẹp, xóa phông.
Tuy nhiên, với chế độ quay video thì máy không xử lý được như với ảnh chụp. Do vậy, video quay từ camera trước vẫn bị mờ, nhòe như khi nhìn trên màn hình. Đây là điểm trừ lớn đối với những người thường xuyên gọi video call, hay thích quay TikTok.
Cụm camera sau của Aris Pro gồm camera chính 64 MP, camera tele 8 MP, camera góc rộng 8 MP và camera macro 2 MP. Tốc độ chụp và chất lượng ảnh của camera chính ở mức khá, chi tiết và độ sắc nét tốt, màu sắc theo hướng hơi rực. Camera góc rộng cho ảnh dùng được nếu trời sáng, có nắng, còn ở các điều kiện ánh sáng kém hơn thì ảnh có màu đục, độ nét không mấy ấn tượng.
Nhờ các thuật toán xử lý, tối ưu ảnh sau khi chụp, camera selfie của Aris Pro vẫn cho hình ảnh có chất lượng tốt. Dù vậy, chất lượng quay phim bằng camera trước khá tệ là thứ người dùng phải đánh đổi để có thiết kế khác lạ, camera ẩn dưới màn hình.
Có nên mua Vsmart Aris Pro?
Chiếc điện thoại này được trang bị vi xử lý Qualcomm Snapdragon 730, RAM 8 GB, bộ nhớ trong 128 GB và viên pin dung lượng 4.000 mAh. Cấu hình này gần như tương đồng với bản Aris thường, chỉ cao hơn một chút ở dung lượng RAM và bộ nhớ trong lớn gấp đôi.
Phần cứng của Aris Pro đủ để mang lại trải nghiệm sử dụng mượt mà, chơi tốt đa số game. Với những game bắn súng 3D phổ biến như PUBG Mobile, Aris Pro vẫn chơi mượt, ổn định ở mức thiết lập đồ họa Low.
Hệ điều hành VOS 3.0 dựa trên Android 10 có giao diện tối giản, các tính năng bổ sung rất nhiều nhưng VinSmart cho người dùng tùy chọn cài thêm hay không. Những tính năng phần mềm đáng chú ý có thể kể đến là khóa ứng dụng, không gian riêng tư, ứng dụng kép. Máy cũng có thể điều hướng bằng cử chỉ, tính năng tích hợp sẵn trên Android 10.
Thời lượng pin của Aris ở mức khá, đủ để dùng cả ngày nếu liên tục kết nối 4G. Máy cũng có sạc nhanh 18 W trong hộp.
Điểm khác biệt của Vsmart Aris Pro là công nghệ camera ẩn dưới màn hình đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế sử dụng cho thấy giải pháp công nghệ để vận hành ý tưởng này chưa phải hoàn hảo và vẫn có nhược điểm. Công nghệ camera ẩn cũng khiến giá Aris Pro (9,99 triệu) cao hơn đáng kể so với người anh em Aris (7,49 triệu) dù phần cứng không khác biệt nhiều.
Trong khi Aris vẫn là smartphone khá hấp dẫn nếu xét cấu hình so với giá, thì Aris Pro sẽ khiến người dùng phải cân nhắc với những smartphone cùng tầm, cấu hình tương đương như Samsung Galaxy A71 hay Xiaomi Mi Note 10 Lite.