Khẳng định vai trò nòng cốt của cán bộ Biên phòng

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang giúp người dân trên địa bàn xây dựng nhà ở. Ảnh Việt Đức

Cần nhất là bầu nhiệt huyết và sự kiên trì

Thiếu tá Trừ Minh Tuấn, công tác tại Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, trước đây thuộc quân số của Đồn Biên phòng Tùng Vài và có thời gian khá dài đảm nhiệm chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Thời điểm đó, anh Tuấn gặp một số khó khăn nhất định do sự khác biệt về lề lối làm việc, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên tại địa bàn. Vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, anh Tuấn đã tham mưu cho Đảng ủy xã nhiều biện pháp đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, trực tiếp bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ thôn, bản phương pháp làm việc khoa học và hiệu quả. Anh cũng tham mưu cho Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, quy hoạch nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, lập kế hoạch phát triển đảng viên, củng cố kiện toàn các ban, ngành, đoàn thể xã, thôn; sắp xếp lại các điểm dân cư, vận động thanh niên thực hiện các mô hình kinh tế...

Anh Tuấn được Đảng ủy xã phân công trực tiếp phụ trách, giúp đỡ 2 thôn biên giới, trong đó có thôn Lò Suối Tủng - thôn được lựa chọn làm mô hình điểm phát triển toàn diện. Việc đầu tiên anh Tuấn làm là củng cố Ban quản lý thôn xây dựng một đề án phát triển toàn diện. Cùng với đó, anh tham mưu củng cố nền nếp sinh hoạt của các chi bộ, giáo dục, định hướng phấn đấu cho thanh niên. Anh Tuấn kể: “Việc phát triển đảng viên mới gặp rất nhiều khó khăn vì thanh niên hầu hết đi làm xa, nguồn phát triển Đảng không nhiều. Tôi phải vận động đảng viên trong thôn cùng vào cuộc, tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng quần chúng từ các gia đình chấp hành tốt các quy định của pháp luật và địa phương, con cái được học hành đầy đủ”.

Sau thời gian tìm hiểu, anh Tuấn phát hiện ra một thực tế, đó là các chi bộ thôn bản biên giới duy trì sinh hoạt hằng tháng đều đặn và đề ra chủ trương, nghị quyết lãnh đạo nhưng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo không cao do quá trình đôn đốc, giám sát việc thực hiện không được triển khai thường xuyên khiến chất lượng hoạt động của chi bộ không hiệu quả. Để khắc phục điểm yếu trên, anh Tuấn luôn sát sao, cùng với cấp ủy, chi bộ xây dựng kế hoạch, định ra thời gian cũng như giải pháp thực hiện nghị quyết đã ban hành. Với sự vào cuộc quyết liệt của anh Tuấn, Chi bộ thôn Lò Suối Tủng đã hoạt động hiệu quả hơn. Sau 5 năm, từ chỗ chỉ có 5 đảng viên, đến nay, Chi bộ thôn Lò Suối Tủng đã kết nạp thêm được 9 đảng viên.

Tăng cường “sức chiến đấu” cho chi bộ thôn, bản

Tỉnh Hà Giang hiện có 32 xã, 2 thị trấn biên giới với 346 thôn bản, trong đó có 122 thôn giáp biên giới. Trên khu vực biên giới có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, đa số là đồng bào dân tộc Mông (chiếm 62,98%). Căn cứ vào tình hình thực tế, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã tiếp tục rà soát, tham mưu cho Tỉnh ủy Hà Giang ra quyết định tăng cường 34 cán bộ Biên phòng cho 34 xã, thị trấn biên giới, trong đó có 33 đồng chí giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn biên giới; 1 đồng chí giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; có 3 đồng chí là đại biểu HĐND các xã, thị trấn biên giới, nhiệm kỳ 2016-2021.

Đồn Biên phòng Phó Bảng cử cán bộ chuyên trách chăm sóc cháu học sinh mồ côi cha được nuôi dưỡng tại đơn vị. Ảnh: Bích Nguyên

Để tăng cường “sức chiến đấu” cho các chi bộ thôn, bản biên giới, các đồn Biên phòng đã lựa chọn và cử 460 lượt đảng viên có phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực tham gia sinh hoạt ở 145 chi bộ thôn, bản. Đội ngũ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ thôn bản đã tham mưu giúp cấp ủy, bí thư chi bộ thôn nắm vững tình hình, chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, bí thư chi bộ. Đồng thời, hướng dẫn nội dung, trình tự các bước xây dựng nghị quyết; cách ghi các loại sổ sách của chi ủy, chi bộ; quy trình tổ chức một buổi họp cấp ủy, chi bộ; quy trình thủ tục, hồ sơ phát triển đảng viên và đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hằng năm... Bên cạnh đó, các đảng viên Biên phòng còn tham gia củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các trưởng thôn, lực lượng Công an, dân quân và các chi hội đoàn thể ở thôn, bản. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, phong cách điều hành của bí thư chi bộ, sức chiến đấu của từng chi bộ được nâng cao.

Kết quả thực tiễn đã khẳng định việc tăng cường cán bộ, giới thiệu đảng viên BĐBP tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản biên giới là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu thực tế. Điều này giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn ở cơ sở, bổ sung “chất thép” cho các chi bộ thôn, bản, vực dậy các chi bộ yếu kém. Mặt khác, việc tăng cường cán bộ, đảng viên BĐBP về cơ sở là biện pháp quan trọng nhằm tăng cường sự kết nối giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới. Qua đó, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Với những nỗ lực, cố gắng, trong 10 năm qua, cán bộ, đảng viên BĐBP Hà Giang đã tham mưu cho đảng ủy các xã biên giới luân chuyển 1.020 bí thư chi bộ; tham mưu cho chính quyền địa phương lựa chọn 4.830 lượt cán bộ đi học tại các trường; tham gia bồi dưỡng, tạo nguồn, phát triển 4.643 đảng viên mới. Bên cạnh đó, BĐBP Hà Giang đã tham mưu xây dựng được 145 tổ an ninh xung kích, 145 tổ hòa giải tại các thôn, bản biên giới.


Nguồn: Báo Biên Phòng

Tin liên quan