Hội nghị G20: Trung-Nhật đạt thỏa thuận 10 điểm nhằm thúc đẩy quan hệ song phương

Thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Osaka trong hai ngày 28 - 29/6.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka ngày 27/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh hai nước nhìn chung đã có được đà thuận lợi trong việc phát triển quan hệ song phương dù vẫn có những khác biệt, đồng thời nhất trí cần tập trung vào thỏa thuận đã đạt được và giải quyết bất đồng, hợp tác thúc đẩy quan hệ Trung - Nhật đi đứng hướng. Khi thế giới đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc chưa từng thấy trong một thế kỷ qua, hai nhà lãnh đạo cũng nhìn thấy những cơ hội mới để phát triển quan hệ song phương cùng có lợi.

Hai bên nhất trí cùng nỗ lực để thúc đẩy "thương mại công bằng và tự do" trong các cuộc đối thoại, đồng thời nhất trí nỗ lực để G20 đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế thế giới và cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy các cuộc đàm phán Thỏa thuận tự do thương mại Trung - Nhật và nỗ lực để hoàn tất các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay.

Thay mặt Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Abe đã mời Chủ tịch Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản vào mùa Xuân 2020. Ông Tập Cận Bình đã vui vẻ nhận lời. Hai nhà lãnh đạo cũng đã chỉ thị Bộ Ngoại giao nước mình duy trì liên lạc để ấn định thời điểm chuyến thăm.

Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản đã có một cuộc "trao đổi rất thẳng thắn" và nhất trí phát triển một hệ thống thương mại công bằng và tự do, song từ chối tiết lộ thêm thông tin chi tiết.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng trong nhiều năm do các vấn đề lịch sử và tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku trên Biển Hoa Đông, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, mối quan hệ song phương đang chuyển biến tích cực. Kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Trung Quốc hồi tháng 10/2018, Tokyo và Bắc Kinh đang tìm cách khôi phục song phương.

Trung Quốc và Nhật Bản đều đang vướng vào tranh chấp thương mại với Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới này đe dọa áp thuế đối với các đối tác thương mại lớn nhằm đảo ngược cái mà Tổng thống Donald Trump gọi là sự mất cân đối thiếu công bằng gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ.

Nguồn: Báo Tin Tức TTXVN

Tin liên quan