Ngày 18/11, lãnh đạo các nước Jordan, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một nền hòa bình công bằng và toàn diện cho Palestine.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Abu Dhabi của UAE, Quốc vương Jordan Abdullah II, Quốc vương Bahrain Hamad Al-Khalifa và Thái tử UAE Mohammed bin Zayed đã thảo luận về “mối quan hệ anh em và chiến lược giữa ba quốc gia."
Các nhà lãnh đạo đã nhất trí cần phải đạt được một nền hòa bình công bằng và toàn diện cho người Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước, cùng với việc Israel “đảm bảo thành lập một Nhà nước Palestine độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô."
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh với vai trò trung gian của Mỹ, Bahrain và UAE đã ký các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel. Ngày 15/9, hai thỏa thuận này được ký chính thức tại Nhà Trắng dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Với những thỏa thuận này, UAE và Bahrain là các nước Arab tiếp theo thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, sau Ai Cập ký thỏa thuận năm 1979 và Jordan ký năm 1994. Thỏa thuận trên nhận được sự ủng hộ của một số nước như Pháp, Đức, Oman, nhưng vấp phải sự phản đối của Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump coi các thỏa thuận giữa Israel và các nước vùng Vịnh mới đây là một phần của sáng kiến hòa bình Trung Đông, được gọi là “Kế hoạch thế kỷ," mà ông đề xuất. Tuy nhiên, sáng kiến đươc ông Trump công bố hồi đầu năm nay được xem là động thái “bật đèn xanh” cho Israel sáp nhập phần lớn khu Bờ Tây.
Israel đã đồng ý hoãn kế hoạch sáp nhập này theo thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE và tiếp đó là Bahrain.
Tuy nhiên, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas khẳng định các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain sẽ không mang lại hòa bình cho Trung Đông, và chỉ khi nào Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng thì khu vực này mới có hòa bình.
Phía Palestine lên án các thỏa thuận trên và đã rời vị trí Chủ tịch luân phiên Liên đoàn Arab (AL) để phản đối việc AL không thể hiện lập trường phản đối chung.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Nga đã chỉ trích quyết định của chính quyền Israel mời thầu xây dựng hơn 1.000 nhà định cư mới tại khu vực gần Đông Jerusalem.
Hãng tin Wafa của Palestine dẫn một thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ quyết định của Israel xúc tiến kế hoạch xây dựng 1.257 nhà định cư “vi phạm cơ sở pháp lý quốc tế về định cư tại Trung Đông."
Thông báo cho rằng việc xây dựng nhà định cư mới tại khu vực này sẽ chia cắt Đông Jerusalem và Bethlehem, “dẫn tới sự phân tách về lãnh thổ của Nhà nước Palestine được dự tính trong các nghị quyết của Liên hợp quốc."
Bộ Ngoại giao Nga đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh các bước đi có thể gây tổn hại tới triển vọng nối lại đối thoại trực tiếp giữa Israel và Palestine về các vấn đề cốt lõi liên quan tới tình trạng cuối cùng trong cuộc xung đột giữa hai bên.
Trước đó, Cơ quan Quản lý Đất đai Israel (ILA) đã đăng tải thông báo mời thầu xây dựng 1.257 nhà định cư tại khu vực Givat Hamatos nối giữa Đông Jerusalem và Bờ Tây. Thời hạn cuối cùng để nộp hồ sơ là ngày 18/1/2021.
Các khu định cư Do Thái nằm ở Bờ Tây và Đông Jerusalem - những vùng đất Israel chiếm giữ trong cuộc chiến năm 1967. Phần lớn cộng đồng quốc tế coi hoạt động định cư này là vi phạm luật pháp quốc tế và cản trở hòa bình./.