Nghệ sĩ Ưu tú Trần Lực: 'Sân khấu phải thay đổi, nếu không muốn khán giả bỏ đi!'

Với phong cách nghệ thuật ước lệ, những vở diễn của đoàn đã mang đến một không khí mới mẻ cho sân khấu: Kiệm lời, sâu sắc nhưng cũng đầy thú vị. Nghệ sĩ Trần Lực đã chia sẻ với Hànôịmới Cuối tuần về áp lực đổi mới sân khấu hiện nay.

- Sân khấu Thủ đô đang có chuyển động mới sau một thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19. Sân khấu Lucteam đã sẵn sàng trở lại chưa, thưa anh?

- Năm nay, Lucteam có kế hoạch dàn dựng vở Bạch đàn liễu của tác giả Xuân Trình. Chúng tôi dự định công diễn vào ngày 20-2 nhưng do dịch Covid-19 nên đành lùi lại. Vở đã diễn nội bộ và sẽ ra mắt khán giả vào thời gian tới. Song song với đó, chúng tôi cũng đang tập Kiều.

Năm 2019, chúng tôi có tham gia dự án Nàng K của Viện Goethe. Tôi cùng ba đạo diễn khác là đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân và Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Như Lai, mỗi người thể hiện một trích đoạn về Kiều theo những cách cảm nhận khác nhau. Năm nay, Lucteam tiếp tục phát triển Kiều thành một vở diễn hoàn chỉnh và sẽ ra mắt nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du. Chúng tôi vẫn theo đuổi ngôn ngữ ước lệ biểu hiện theo phong cách Lucteam, mang đến cho khán giả một cái nhìn khác về tác phẩm Kiều - vẫn mang tinh thần Kiều của Nguyễn Du nhưng phải để khán giả thấy được những gì ẩn chứa phía sau câu thơ mà nhiều người đã thuộc lòng.

- Sân khấu đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, anh có lường trước được những trở ngại khi trở lại?

- Sân khấu nếu không có sự thay đổi thì sẽ rất khó khăn, vì càng ngày phương tiện, loại hình nghệ thuật, giải trí càng nhiều. Nếu sân khấu không có sự vận động riêng thì sẽ khó tồn tại. ý tôi muốn nói rằng, người làm sân khấu phải đổi mới tư duy, sân khấu phải theo kịp khán giả. Người xem tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật nên họ cần ở sân khấu một điều gì đó khác chứ không phải cũ kỹ như ngày xưa. Sân khấu của chúng ta phần nhiều vẫn mang tính hình thức, không có sự tinh tế, và quan trọng là không có hơi thở của thời đại. Phải thay đổi thôi, không thì khán giả sẽ bỏ đi!

- Có vẻ như ai cũng hiểu đòi hỏi “đổi mới hay là chết”, nhưng thay đổi như thế nào vẫn còn là một câu hỏi rất khó, thưa anh?

- Chúng ta thấy rằng, thời gian qua, điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, và đã thành công. Nếu như trước đây phim truyền hình Việt chịu ảnh hưởng quá nhiều từ phim Hàn Quốc, Đài Loan - những dòng phim ăn khách ở các nước châu Á - thì thời gian gần đây, đặc biệt là năm 2019, những bộ phim truyền hình của chúng ta bắt đầu thể hiện rõ nét riêng, nói lên được những vấn đề của gia đình, của lớp trẻ Việt Nam, đề cập cụ thể đến những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Vì nó là những câu chuyện của người Việt Nam nên phim hấp dẫn, diễn viên diễn tự nhiên hơn..., từ đó hấp dẫn khán giả, thu hút được rất nhiều quảng cáo và có tiền để tái đầu tư. Muốn kéo khán giả đến với mình, sân khấu cũng như phim, phải hấp dẫn người xem bằng ngôn ngữ riêng của mình, phải bán được vé.

- Ngoài yêu cầu thay đổi về nội dung, nhiều người đề cập đến việc thay đổi hình thức để sân khấu tiếp cận khán giả một cách dễ dàng hơn, chẳng hạn như hình thức nhà hát online?

- Tôi cho rằng sân khấu phải luôn tìm cách để đổi mới, sân khấu online cũng là một ý tưởng hay nếu chúng ta làm tốt. Hiện nay, tôi thấy sân khấu online chán kinh khủng, nó không phải là sân khấu mà là thứ hài linh tinh. Với sân khấu online, thậm chí phải đầu tư nhiều hơn so với sân khấu truyền thống, vì chỉ cần chán là khán giả “tắt bụp” ngay. Sân khấu hay ở chỗ có sự giao lưu giữa nghệ sĩ và khán giả. Bây giờ, diễn qua máy quay thì càng phải làm sao cho hấp dẫn. Khán giả bây giờ không như ngày xưa, phải thật hay và hấp dẫn thì họ mới xem. Nhiệm vụ của người dẫn dắt là tìm ra hướng đi đúng cả về nội dung lẫn hình thức.

- Cảm ơn anh đã chia sẻ!


Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Tin liên quan