Những con số 'biết nói' từ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020

VTC Newsgiới thiệu bài viết của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, nhận định về xếp hạng các địa phương theo dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT 2020:

Có thể đánh giá kỳ thi THPT đợt 1, năm 2020 thành công tốt đẹp. Mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng kết quả của kỳ thi cho thấy các quyết sách, những điều chỉnh về đề thi, cách thức tổ chức thi và xét tuyển của Chính phủ và của Bộ như vậy là phù hợp với thực tiễn. Thí sinh và phụ huynh yên tâm. Các trường đại học cũng yên tâm về nguồn tuyển sinh năm nay, cả về chất lượng và số lượng.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bên cạnh đó, những dữ liệu thống kê, xếp hạng các địa phương theo kết quả kỳ thi THPT của Bộ là những con số “biết nói” và rất giá trị. Đồng thời cũng phản ánh đúng về tình hình phát triển kinh tế xã hội và chỉ số giáo dục của từng địa phương.

Hơn nữa, khi công khai, minh bạch các chỉ số này cũng sẽ góp phần phát hiện những bất thường, hạn chế tiêu cực trong thi cử, cũng như trong đánh giá kết quả học tập trong học bạ.

Qua dữ liệu xếp hạng các địa phương theo kết quả thi THPT của Bộ trong 4 năm liên tục, từ 2017 đến nay cho thấy, ở hầu hết tất cả các môn học, thì Bình Dương và Nam Định là 2 tỉnh luôn lọt vào danh sách 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Ngoài ra còn có Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc là những tỉnh liên tục trong 4 năm có nhiều môn lọt trong danh sách 10 địa phương có xếp hạng cao nhất, cho thấy mặc dù địa phương còn có khó khăn, hoặc chưa phải là những thành phố lớn, đô thị phát triển, nhưng nếu được quan tâm và chăm lo, kết quả học tập sẽ được cải thiện rất tích cực. Thông qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.

Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc có nhiều môn nằm trong top 10 địa phương ở cuối bảng xếp hạng, và ít có sự cải thiện về thứ hạng trong 4 năm qua – cho thấy các địa phương này rất cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước và của lãnh đạo địa phương tới giáo dục.

Thành phố lớn như Hà Nội chỉ lọt vào danh sách 10 địa phương dẫn đầu 4 năm liên tục ở môn tiếng Anh. Tương tự TP.HCM lọt vào danh sách 10 địa phương 4 năm liên tục dẫn đầu môn Toán và tiếng Anh.

10 địa phương có điểm trung bình cao nhất cả nước.

Xếp hạng môn Toán theo các địa phương khá ổn định trong 4 năm, chỉ có Bạc Liêu là có sự cải thiện hạng đáng kể, từ hạng 30 (2017), lên 19 (2018), 16 (2019) và 12 (2020).

Kết quả môn Ngữ văn của một số địa phương được cải thiện đáng kể về thứ tự theo 4 năm 2017, 2018, 2019 và 2020 như Sóc Trăng xếp thứ là 38, 39, 13, 5; Thanh Hóa 35, 21, 18, 8; Bà Rịa – Vũng Tàu (47, 50, 35, 12). Đặc biệt có 2 địa phương tụt hạng ngoạn mục là Lạng Sơn (1, 23, 51, 51) và Bắc Cạn (3, 12, 41, 54).

Môn Vật lý khá ổn định, có 2 địa phương tụt hạng đáng lưu ý là Bà Rịa – Vũng Tàu (8, 14, 21, 34) và TP. Hồ Chí Minh (17, 22, 26, 38).

Môn Hóa Học cũng vậy, khá ổn định. 2 địa phương tăng hạng đáng lưu ý là Phú Thọ (23, 11, 5, 5); Hà Tĩnh (31, 22, 2, 11) và Nghệ An tụt hạng (18, 23, 35, 41).

Môn Lịch sử đáng lưu ý 2 địa phương tăng hạng là Hải Phòng (38, 20, 16, 9) và Cần Thơ (28, 22, 15, 12) và 3 địa phương tụt hạng là Bình Thuận (10, 18, 21, 33); Quảng Trị (21, 32, 30, 42); Kon Tum (11, 16, 31, 44).

Đặc biệt môn tiếng Anh, 10 địa phương dẫn đầu trong 4 năm liên tiếp là TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, An Giang, Ninh Bình, Đồng Nai, Lâm Đồng và không có sự tương quan tăng hạng hay tụt hạng đáng kể ở địa phương nào.

10 địa phương có điểm trung bình môn Toán thấp nhất cả nước.

Như vậy, những phân tích trên đây cho thấy việc xếp hạng các địa phương theo kết quả kỳ thi THPT của Bộ GD&ĐT là có ý nghĩa. Khi công bố bảng xếp hạng sẽ là áp lực với các địa phương, nhưng lại có giá trị như một chỉ số quan trọng về giáo dục, góp phần đánh giá sự phát triển kinh tế xã hội, cũng như chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.

Kinh nghiệm của các nước mới phát triển trong một vài thập niên gần đây như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy, không phải tài nguyên, mà chất lượng nguồn nhân lực mới là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển và làm nên sự phồn vinh của các địa phương và của đất nước.

Căn cứ vào chỉ số này, lãnh đạo các địa phương cũng như các nhà trường có động lực để đổi mới mạnh mẽ hơn nữa giáo dục và đào tạo, từ đó có những chính sách và giải pháp quyết liệt để đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có kết quả của kỳ thi THPT.


Nguồn: Báo VTC News

Tin liên quan