Những công trình góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Cầu Long Bình-Chrây Thom nối liền tỉnh An Giang, Việt Nam với tỉnh Cần Đan, Campuchia. Ảnh: CTV

Nhịp cầu nối những bờ vui

Sau gần 2 năm kể từ ngày cầu Long Bình-Chrây Thom bắc qua sông Bình Di, địa bàn xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang (Việt Nam), đối diện là cửa khẩu Chrây Thom, xã Sam Pây Pun, huyện Co Thum, tỉnh Cần Đan (Campuchia) đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu Khánh Bình. Đặc biệt hơn, việc xây dựng cầu Long Bình-Chrây Thom không chỉ đơn thuần là công trình giao thông mang ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh và là biểu tượng tốt đẹp của tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Trung tá Đinh Quang Điềm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, chia sẻ, cầu Long Bình-Chrây Thom khánh thành và đi vào hoạt động đã đáp ứng niềm mong đợi từ lâu của nhân dân hai bên biên giới. Cây cầu đã thay thế những chuyến phà và trở thành tuyến đường ngắn nhất nối Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) tới biên giới Việt Nam (khoảng 70km). Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, giao lưu hay trao đổi hàng hóa được thuận tiện.

Được biết, thời gian gần đây, lưu lượng người và hàng hóa lưu thông qua cửa khẩu Khánh Bình-Chrây Thom ngày càng tăng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, cặp cửa khẩu Khánh Bình-Chrây Thom đón gần 60.000 lượt du khách qua lại bằng hộ chiếu, khoảng 35.000 lượt người dân biên giới qua lại làm ăn, buôn bán và gần 20.000 lượt phương tiện xuất, nhập cảnh cả đường bộ và đường sông. Đặc biệt, các mặt hàng như: Vật liệu xây dựng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng tạp hóa... của Việt Nam đã xuất sang Campuchia qua cửa khẩu Khánh Bình khoảng 25.000 tấn.

Chị Nguyễn Kim Lợi (sinh năm 1968), ở ấp Tân Khánh, xã Khánh Bình, huyện An Phú, buôn bán tại khu vực cửa khẩu chia sẻ: “Nhiều năm về trước, mỗi lần qua lại biên giới để trao đổi, mua bán phải đi bằng phà nên cũng gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2014, biết tin cầu được khởi công xây dựng, bà con sinh sống ở đây và phía biên giới tiếp giáp ai cũng vui mừng. Đặc biệt, 2 năm nay, cầu đi vào hoạt động, chúng tôi qua lại thuận tiện, không còn cảnh chờ đợi phà, đò như trước nữa. Hoạt động thương mại qua biên giới ngày càng tiện lợi, trong ngày tôi có thể đưa hàng tạp hóa như: Dầu ăn, mì chính, muối... sang bán cho người dân Campuchia, rồi mua hoa quả về bán bên mình”.

Địa chỉ tin cậy

Gần 3 năm đi vào hoạt động, Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới Việt Nam-Campuchia tại ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã khẳng định được hiệu quả trong việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân hai bên biên giới. Công trình trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới khánh thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2016 là kết quả hợp tác giữa BĐBP Việt Nam và các lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia.

Quân y BĐBP của Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới khám bệnh cho nhân dân xã Đôn, huyện Rô Mê Héc, tỉnh Svây Riêng, Campuchia. Ảnh: Hồ Phúc

Hiện nay, Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới có quy mô 4 phòng, gồm: 1 phòng cấp phát thuốc, 2 phòng khám và 1 phòng lưu bệnh với 3 cán bộ thường trực 24/24 giờ. Đúng như tên gọi trạm xá, bất luận người dân sinh sống ở biên giới huyện Châu Thành cũng như huyện Rô Mê Héc, tỉnh Svây Riêng, Campuchia có nhu cầu khám chữa bệnh có thể đến đây bất cứ lúc nào. Người dân hai bên biên giới cũng không cần phải có Bảo hiểm y tế hay lo đến chuyện chi phí điều trị... mà vẫn được quân y BĐBP Việt Nam chăm sóc sức khỏe chu đáo. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân hai bên biên giới, trạm xá được cấp trên quan tâm bổ sung trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh.

Bên cạnh việc khám chữa bệnh cho người dân hai bên biên giới, quân y Biên phòng còn thường xuyên tuyên truyền cho người dân về kiến thức phòng tránh một số bệnh phổ biến, hướng dẫn bà con giữ vệ sinh răng miệng, cách phát hiện sớm một số bệnh, phòng ngừa dịch bệnh... Thượng tá Phùng Văn Ninh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu, BĐBP Tây Ninh, đơn vị được giao phụ trách trạm xá cho biết: “Những năm gần đây, Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới thực sự là địa chỉ tin cậy không chỉ của người dân nghèo trên địa bàn, mà còn người dân nước bạn Campuchia sinh sống ở khu vực biên giới tiếp giáp. Trong 6 tháng đầu năm 2019, trạm xá đã khám, chữa bệnh cho hơn 3.000 lượt bệnh nhân, trong đó, khoảng một nửa là người dân Campuchia. Người dân nước bạn đến khám bệnh đều có hoàn cảnh khó khăn, nên được khám, cấp thuốc miễn phí”.

Bà My Lanh (sinh năm 1938), trú tại xã Đôn, huyện Rô Mê Héc nói: “Tuổi đã cao nên tôi thường xuyên đau nhức các khớp chân và tay, mỗi lần bị đau đều nhờ cháu chở sang trạm xá của BĐBP Việt Nam để khám và xin thuốc. Không chỉ tôi mà nhiều người dân trên địa bàn xã mỗi khi có bệnh đều tìm đến đó để chữa bệnh. Đối với người dân chúng tôi, được các y, bác sĩ Việt Nam khám bệnh thì rất yên tâm. Bác sĩ của BĐBP Việt Nam rất giỏi và tận tình, các chú ấy biết cả tiếng Campuchia nên luôn hướng dẫn chu đáo, lại cho nhiều thuốc tốt nữa”.


Nguồn: Báo Biên Phòng

Tin liên quan