Những sáng kiến "thần kỳ" góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, những sáng kiến quan trọng của quân và dân ta có vai trò đặc biệt, đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch.

Những “con cúi” chắn đạn

Trong đợt hai của chiến dịch (bắt đầu từ ngày 30/3/1954), Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đã sáng tạo ra chiến thuật bao vây đánh lấn, tiêu diệt hai vị trí địch 106 và 206 bảo vệ phía tây sân bay Mường Thanh. Sáng kiến của Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương và kịp thời phổ biến ra toàn mặt trận cùng học tập và vận dụng.

Trên cơ sở những thắng lợi vừa giành được, trung đoàn phát triển vây lấn tiếp các cứ điểm 206 và 311B. Toàn bộ kinh nghiệm trước đó được vận dụng ngay vào chiến đấu. Bởi vậy, việc công kích đã diễn ra suôn sẻ, nhanh gọn mà số thương vong lại không đáng kể.

Trong sách “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về sáng kiến này và bổ sung về những “con cúi” chắn đạn mà các chiến sĩ trung đoàn 36 đã sáng tạo ra: Nằm sâu bên trong, Huguette (Huy ghét) 1 cũng bị trung đoàn 36 bao vây bằng trận địa chiến hào từ ba ngày nay. Sau khi Huguette 7 và Huguette 6 bị tiêu diệt, Huguette 1 trở thành vị trí đột xuất ở phía bắc khu trung tâm.

Bảo vệ vị trí là đại đội 4 của lữ đoàn lê dương 13. Những tên lính lê dương ở đây chống cự khá quyết liệt. Các chiến sỹ bắn tỉa đã có kinh nghiệm kiên trì chiến thuật vây lấn, quyết tâm giành thắng lợi với tổn thất ít nhất về người và vũ khí.


Lòng quyết tâm và chiến lược khôn khéo góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Lòng quyết tâm và chiến lược khôn khéo góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Suốt thời gian chuẩn bị, cán bộ, chiến sĩ luôn luôn cùng nhau bàn bạc cách khắc phục mọi khó khăn. Họ đã dùng những con cúi làm lá chắn, đưa chiến hào từ xa tiếp cận cứ điểm. Những khối rơm bện dài 2 mét, đường kính 1,50 mét đã hút hết đạn thẳng, bảo đảm an toàn cho những người đào trận địa phía sau nó.

Tuy nhiên, đến khi chiến hào đào vào gần cứ điểm thì “con cúi” giảm tác dụng, vì không ngăn được hỏa lực lướt sườn cũng như lựu đạn từ bên trong ném ra. Tốc độ đào chiến hào chậm hẳn lại.

Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36 Phạm Hồng Sơn cũng từng kể rằng: “Có các chiến sĩ mới bổ sung từ đồng bằng địch hậu lên, họ nói họ là du kích đồng bằng Bắc Bộ, có kinh nghiệm đào địa đạo và đánh độn thổ. Chỉ cần trung đoàn tổ chức trận địa hỏa lực yểm hộ và tổ chức đào chiến hào lấn dũi luồn qua các lớp rào dây thép gai của địch, từ đó quân ta bất ngờ vọt lên, hai mũi giáp công lọt vào đồn địch chia cắt, tiêu diệt địch”.

Sự xuất hiện của “Xe đạp thồ”

Đây là phương tiện vận tải có số lượng đông đảo nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, ta đã huy động hơn 21.000 xe đạp thồ làm các nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, thương binh. Để tăng thêm khả năng chuyên chở, lực lượng dân công đã nối một đoạn tre nhỏ và chắc dài khoảng 1m vào ghi-đông xe (gọi là “tay ngai” để điều khiển); buộc một đoạn tre cao hơn yên khoảng 50cm để cầm được buộc vào trục yên xe (có tác dụng vừa giữ thăng bằng vừa đẩy xe đi) và hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ vào khung xe, tạo sự chắc chắn.


Ông Ma Văn Thắng, Phú Thọ với chiếc xe đạp thồ đạt kỷ lục chở 325kg hàng trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Ma Văn Thắng, Phú Thọ với chiếc xe đạp thồ đạt kỷ lục chở 325kg hàng trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lốp của xe cũng được quấn thêm vải lự, quần áo cũ, săm cũ…nhằm tăng độ bền. Nhờ các sáng kiến này, trọng tải của xe được tăng dần lên, có thể chở được gần 300kg, hoặc 2 thùng phuy nhiên liệu loại 150 lít, hoặc 15 - 20 can loại 20 lít (thời gian đầu, mỗi xe chỉ chở được 80-100kg). Đặc biệt, 2 xe đạp thồ khi gá lại có thể chở được 2 thương binh nặng (nằm) và 4 thương binh nhẹ (ngồi).

Một số xe có đi-na-mô phát điện còn được sử dụng để chiếu sáng cho các thầy thuốc phẫu thuật trong đêm. Loại xe này có lợi thế là không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, ngụy trang và có thể đi lẻ hoặc thành đoàn trong mọi điều kiện thời tiết. So với vận tải bằng gánh gồng, mang vác, xe đạp thồ có năng suất gấp 7-8 lần.

Một số dân công đã đạt “kỷ lục” về thồ như dân công Nguyễn Văn Ngọc (Thanh Hóa) thồ được 320 kg/chuyến, dân công Ma Văn Thắng (Phú Thọ) có chuyến chở 325 kg hàng, tức là gấp 13 lần một người gồng gánh. Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương. Mỗi đoàn có nhiều trung đội, đại đội (trung bình từ 30-40 xe).

Mỗi trung đội, đại đội lại chia thành các nhóm khoảng 5-6 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, qua dốc. Trung đội nào cũng có một xe chuyên chở đồ nghề, phụ tùng thay thế, bếp than để sửa chữa và vá chín; đêm đi, ngày nghỉ.

Sản xuất bông băng tại chỗ và cách chuyển thương độc đáo

Vào khoảng tháng 3 gần cuối chiến dịch, việc tiếp tế từ hậu phương ra tiền tuyến gặp nhiều khó khăn. Bình thường những chuyến xe chở thuốc đi hết một tuần lễ, nay phải đi hàng tháng. Do đó, lượng bông băng bị thiếu nên phải dùng khăn mặt của quân nhu thay bông.

Lực lượng xung kích theo đường hào tiến sát các vị trí của địch trên đồi Him Lam. Ảnh: Tư liệu

Trước tình hình đó, ngành quân y đã có sáng kiến bằng cách mua bông thô tại chỗ, sau đó đắp lò nung vôi, lò nấu bông kiểu dáng như bếp Hoàng Cầm. Nhờ vậy đã sản xuất được bông hút nước, phục vụ kịp thời cho chiến dịch. Sáng kiến đắp lò nung vôi còn giúp chiến sĩ quân y có vôi sống làm công tác tẩy uế. Ngoài ra anh em còn lấy dù cắt ra làm băng. Trong chiến dịch, Đại đoàn 316 đã tự sản xuất được 1.000 cuộn băng và 1.715 băng vải màn.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác chuyển thương gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, các đơn vị đã đề ra khẩu hiệu “mỗi xe ô tô là một bệnh xá lưu động” nhằm giáo dục lái xe có ý thức đi êm để thương binh đỡ đau. Trong việc cáng bộ, anh em đã đề ra khẩu hiệu “một tổ cáng là một gia đình thân yêu”, gây được tình đoàn kết giữa thương binh và dân công.

Trong điều kiện trời mưa nhiều, dân công đã phát huy sáng kiến làm mui cáng cho thương binh; khung làm bằng tre, khi mưa nắng thì che nilon hoặc lợp lá nên thương binh không bị ướt, không bị nắng, lúc thường lại bỏ ra cho thoáng.

Đoạt đồ tiếp tế bằng đường không của địch

Khi trận Điện Biên Phủ diễn ra được 3 tuần lễ, vòng vây khép chặt, ta và địch kề cận nhau, có nơi xen kẽ. Lúc này, hàng vạn quân địch chỉ trông chờ vào phương tiện tiếp tế duy nhất là đường hàng không mà sân bay Mường Thanh liên tục bị ta pháo kích. Địch chỉ còn biện pháp duy nhất là huy động máy bay của Pháp, Mỹ để thả dù tiếp tế.


Cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam kéo pháo ra mặt trận. Ảnh tư liệu

Cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam kéo pháo ra mặt trận. Ảnh tư liệu

Về nguyên lý máy bay thả dù, muốn thả cho chính xác cần phải xuống thấp và tính được gió. Lòng chảo Điện Biên hướng Đông - Tây hẹp, chung quanh núi cao, chỉ có chiều dài theo hướng Bắc - Nam. Ở cả hai đầu hướng Bắc Nam, cao xạ pháo và súng phòng không của ta đã chiếm lĩnh.

Vì vậy, địch chỉ còn cách bay trên cao và thả ban đêm. Ở vùng lòng chảo lại thường có gió quẩn, nên thả bằng cách này dù rơi không chính xác và không theo chiều nhất định. Do đó, bộ đội ta chỉ cần chờ dù tiếp tế rơi xuống để nhặt về sử dụng.

Nguồn Vnexpress

Tin liên quan