Mobile Money là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động, là hình thức mà theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông - sẽ tạo ra đột phá về thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hoá đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động... và những dịch vụ tương tự.
Theo đó, người dùng có thể thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động (tiền điện, tiền nước...), chuyển/nhận tiền, quản lý và lưu trữ tiền (người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể lưu tiền trên điện thoại thay vì phải để tiền dưới chiếu hay để tiền trong người).
Nếu Việt Nam cho phép thử nghiệm Mobile Money, các nhà mạng cũng có thể cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử thông qua những dịch vụ chuyển tiền qua mạng di động, giữa các thuê bao... Như vậy, các nhà mạng được cho là những "đối thủ" mới của ngân hàng trong lĩnh vực này.
Tại hội thảo "Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện" sáng nay (23/5), Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các nhà băng không cần phải lo ngại về vấn đề này.
"Ngân hàng cũng không phải quá lo lắng vì Mobile Money với các giao dịch nhỏ chính là sự đào tạo người dân để trở thành khách hàng sau này cho ngân hàng", ông Hùng nói.
Ông tin tưởng, Mobile Money đẩy mạnh việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. Bộ trưởng cho biết, tại Kenya, sau 3 năm triển khai, tỷ lệ sử dụng ngân hàng tăng 19%, chính nhờ vào sự phát triển của dịch vụ Mobile Money.
Thực tế, người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa... đang bị gạt ra ngoài hệ thống tài chính chính thống. Mobile Money được kỳ vọng là giải pháp giúp họ tiếp cận các dịch vụ (có trả phí) mang tính đổi đời trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội.
Theo Hiệp hội di động toàn cầu (GSMA), bản chất của Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Theo đó, đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money (ở đây có thể là nhà mạng) không phải là đơn vị phát hành tiền điện tử vì không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông. Họ chỉ chuyển đổi hình thức của tiền mặt để khách hàng có thể sử dụng thanh toán. Hình thức này tương tự thẻ ATM, khi khách hàng nộp tiền mặt để nhận được một khoản tiền điện tử có giá trị tương đương.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với các diễn giả, khách mời tại hội thảo sáng 23/5. Ảnh: Anh Tú |
Chia sẻ về vai trò của Mobile Money, ông Hùng kể, tại các nước đang phát triển, khoảng 15% người trưởng thành có doanh thu từ bán nông sản, nhưng đa số nhận tiền mặt - một hình thức rủi ro, không hiệu quả và bất tiện khi thu tiền.
Nhưng họ cũng không thể bán nông sản cho một người ở xa nên theo ông Hùng, việc thanh toán qua thuê bao di động giúp những người ở thành phố có thể mua và trả tiền cho nải chuối từ một vườn cây ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc. Do vậy, người nông dân cũng bán được giá cao hơn.
Không chỉ vậy, Mobile Money sẽ góp phần bùng nổ các startup Việt Nam, theo Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông. Ông lý giải, Mobile Money sẽ làm xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực số, những công ty khởi nghiệp công nghệ. Đây sẽ là phương thức thanh toán phổ biến nhất được chấp nhận bởi các công ty khởi nghiệp.
Việt Nam sẽ là nước thứ 91 có Mobile Money, nếu năm nay nền tảng này được cấp phép. "Thêm một lần nữa, Việt Nam lại không phải các nước thuộc nhóm đầu chấp nhận một nền tảng mới do công nghệ tạo ra", ông nói.
Nhưng việc đi sau vẫn có những thuận lợi nhất định. Việt Nam là có thể học hỏi từ 90 nước đã triển khai khi hiệu quả đã nhìn thấy rõ và khung pháp lý cũng đã hình thành ở các nước họ.
"Câu chuyện ở đây là công nghệ có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của đất nước, nhưng chúng ta phải thay đổi, dám thay đổi, dám chấp nhận các mô hình mới", ông Hùng cho hay.
Nguồn Vnexpress