Thảo luận tại Hội trường quốc hội trong cả ngày 25/7, nhiều ĐBQH đồng tình với việc Quốc hội sẽ trao quyền nhiều hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết đáp các vấn đề cấp bách liên quan tới công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Các quyết nghị này sẽ được thống nhất thể hiện tại Nghị quyết của kỳ họp, làm cơ sở quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề mà luật chưa quy định hoặc cần phải có các quyết định phù hợp với thực tiễn nhưng khác quy định trong các luật.
Trước đó, vào sáng 24/7, tại phiên họp nhanh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng của 5 Bộ: Y tế, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ và các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã quyết định đề nghị Chính phủ nhanh chóng chỉnh sửa lại Tờ trình theo hướng tăng cường nhiều quyền hành hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ không chỉ được chủ động áp dụng các biện pháp quy định tại Điều 54, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm như Tờ trình ban đầu mà còn được linh hoạt áp dụng các biện pháp quy định trong cả Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp, các luật khác có liên quan và các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật hiện hành như trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, mua sắm, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất...
Cùng với đó, Chính phủ được ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt cho phòng, chống dịch; thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt; được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; Trung ương hỗ trợ địa phương trong trường hợp cần thiết; đồng ý chuyển 1.237 tỷ cho Bộ Y tế để phòng, chống dịch.
Bên hành lang quốc hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc, (đoàn Hoà Bình) cho rằng, khoảng 20 địa phương đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 và còn nhiều địa phương khác đang có nhiều nguy cơ bùng phát, đồng thời một số bộ, ngành chủ chốt đang dành hết tâm lực và trí lực để ngăn chặn và chống dịch nên Quốc hội quyết định kết thúc sớm thêm 3 ngày làm việc là rất tốt. Đồng thời với việc thể hiện các giải pháp chống dịch quan trọng trong Nghị quyết của kỳ họp là sự thể hiện đồng tâm, đoàn kết, cùng Chính phủ và nhân dân chống dịch.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhìn nhận: “Việc rút ngắn kỳ họp và bổ sung nội dung phòng, chống dịch COVID-19 là sáng kiến lập pháp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi mà báo cáo ban đầu của Chính phủ không đưa dự thảo Nghị quyết có nội dung về chống dịch, nhưng Thường vụ Quốc hội đã trao đổi với Chính phủ và Chính phủ đã xử lý rất nhanh, có Tờ trình ngay lập tức trình Quốc hội bổ sung nội dung này và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã trao cho Chính phủ những quyền năng động hơn trong phòng, chống dịch”.
Cùng quan điểm, nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng nhất trí với việc Quốc hội trao cho Chính phủ ban hành các quyết định linh hoạt để chống dịch nhằm bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Đây là quyết định cần thiết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một biện pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý để Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương lẫn địa phương an tâm trong công tác phòng, chống dịch.
Nguồn Tienphong