TGĐ WHO kêu gọi đàm phán một hiệp ước phòng chống dịch quốc tế

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi khởi động đàm phán một hiệp ước quốc tế về tăng cường chuẩn bị cho các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 31-5, ông Tedros phát biểu trong hội nghị thường niên của các bộ trưởng 194 quốc gia thành viên WHO và nhấn mạnh tổ chức này phải đối mặt với một “thách thức nghiêm trọng” về việc duy trì cách phản ứng hiệu quả trước đại dịch COVID-19.

Đồng thời, ông Tedros “khuyến nghị” WHO nên khởi động cuộc đàm phán hướng tới “một hiệp ước về sự chuẩn bị sẵn sàng và việc ứng phó đại dịch”. Ông Tedros đặc biệt kỳ vọng rằng điều sẽ sẽ giúp WHO vững mạnh hơn và củng cố an ninh y tế toàn cầu.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới , ông Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS

Quyết định về cuộc đàm phán này sẽ được đưa ra sau cuộc họp sắp tới của các đại diện đến từ 194 quốc gia thành viên WHO, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11.

Ủng hộ đề xuất này, Đại sứ Chile tại Văn phòng Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Frank Tressler Zamorano cho rằng một hiệp ước như vậy sẽ giúp thế giới quan tâm hơn tới lời kêu gọi của các chuyên gia về việc “thiết lập lại” hệ thống y tế toàn cầu.

Tuy nhiên, WHO có thể phải vượt qua một chặn đường dài phía trước để đạt được một hiệp ước quốc tế như ông Tedros đề xuất. Hiệp ước y tế công cộng đầu tiên của thế giới là Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá được ký kết vào năm 2003 đã mất tới bốn năm để hoàn tất đàm phán.

WHO thông qua nghị quyết về lộ trình cải cách dài một năm

Trong cùng ngày 31-5, hội nghị của WHO đã nhất trí nghiên cứu khuyến nghị của các chuyên gia độc lập về những cải cách đầy tham vọng nhằm tăng cường năng lực của cả WHO và các quốc gia thành viên trong việc ngăn chặn các loại virus mới.

Theo một nghị quyết được Liên minh châu Âu (EU) đề xuất và đã được WHO thông qua, các quốc gia thành viên thể hiện quyết tâm cải cách WHO theo lộ trình kéo dài một năm. Theo đó, WHO sẽ có thẩm quyền lớn hơn trong việc nhanh chóng cử điều tra viên theo dõi các đợt bùng phát mới và ngay lập tức công bố các phát hiện mới nhất về dịch bệnh.

Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, hoan nghênh quyết định của các bộ trưởng. Ông Ryan cho rằng các nước thành viên WHO “cần biến chính điều đã đặt chúng ta vào nguy hiểm trong đại dịch này thành sự liên kết” và “thành sức mạnh” để cải cách tổ chức này.

Cùng phát biểu trong hội nghị, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói: “Điều cần thiết là chúng ta phải tăng cường giám sát (dịch bệnh) toàn cầu và cung cấp cho WHO thẩm quyền và năng lực để thực hiện công việc quan trọng này vì toàn bộ người dân trên thế giới”.

Ông Morrison nhấn mạnh để cải cách thành công, các thành viên WHO “phải hợp tác với nhau và gác các vấn đề khác (tức các bất đồng) sang một bên”.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc từ cuối năm 2019 và lây lan ra toàn thế giới, WHO đã nhiều lần bị chỉ trích về cách phản ứng chậm chạp và bị cáo buộc bao che cho chính quyền Bắc Kinh. Đặc biệt, WHO vẫn chưa thành công trong việc dẫn dắt các nỗ lực điều tra nguồn gốc COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã khiến gần 171.385.000 nhiễm bệnh, trong đó hơn 3.564.500 người không qua khỏi, theo cập nhật lúc 7 giờ sáng 1-6 của chuyên trang thống kê worldometers.info.

Nguồn PLO

Tin liên quan