Thủ tướng: Tiếp cận mọi khả năng để có vaccine COVID-19

Ngày 29-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Không nên lo sợ, hốt hoảng và mất bình tĩnh

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra một số điểm đáng chú ý, trong đó ông khẳng định đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh nhưng cục bộ một số địa phương còn diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Hà Nội.

Một điểm chú ý nữa là biến chủng virus lần này nguy hiểm và phức tạp hơn, gây bệnh nặng hơn và khó kiểm soát hơn. Ngoài ra, dịch lây nhiễm từ cộng đồng vào các khu công nghiệp và từ khu công nghiệp ra cộng đồng thông qua người lao động, công nhân và xuất hiện tình trạng lây nhiễm qua các hoạt động tôn giáo.

Về nguyên nhân làm bùng phát dịch, Thủ tướng cho rằng một phần do một số địa phương, cơ quan, đơn vị khi chưa có dịch đã lơ là mất chủ quan; không nắm chắc tình hình, không đánh giá đúng tình hình, không đưa ra biện pháp giải quyết từ đầu, sớm.

“Một bộ phận nhân dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cộng với thiếu nghiêm túc thực hiện các quy định phòng chống dịch, tạo ra sự lây lan nhanh” – ông Phạm Minh Chính đánh giá.

Theo Thủ tướng, mục tiêu chăm sóc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trong lúc này là trên hết và trước hết. Kiềm chế đẩy lùi, kiểm soát và dập tắt được dịch bệnh nhất là các địa phương, địa bàn trọng điểm ở Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Hà Nội và các khu công nghiệp.

“Phải quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc. Tuy nhiên lúc này phải tổng tiến công một cách toàn diện, toàn lực và mạnh mẽ, hoạt quả hơn nữa trong toàn hệ thống chính trị, trong toàn dân với quyết tâm cao hơn, với nỗ lực lớn hơn và hành động quyết liệt hơn, hiệu quả lớn hơn và tập trung cao hơn nữa” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và đề nghị nhanh chóng khoanh vùng dập dịch để ổn định tình hình.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch, nhưng cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi có dịch, dẫn đến những quyết định không phù hợp, kém hiệu quả. Tránh khuynh hướng lúc khó khăn lại mất đoàn kết, đổ lỗi cho nhau, phân tán lực lượng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị phải xử lý nghiêm những tư tưởng, hành động, biểu hiện lợi dụng việc phòng chống dịch để gây rối, chống phá, dựng chuyện, xuyên tạc méo mó sự thật… làm mất trật tự, khiến cho người dân mang mang lo sợ.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì tại điểm cầu UBND TP.HCM. Ảnh: TTBC

Tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine COVID-19

Về chiến lược vaccine, Thủ tướng yêu cầu tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine. “Cả thế giới đều lo vaccine, đây là một biện pháp ‘tấn công’ của các nước. Tất cả đều đi mua vaccine, chúng ta cũng phải quyết tâm nhưng không vì yếu tố khách quan như vậy mà nản. Phải dùng mọi biện pháp, từ ngoại giao, Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân để tiếp cận mua vaccine” – Thủ tướng nói.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và bằng mọi biện pháp để mua được công nghệ sản xuất vaccine. Về việc này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phối hợp cùng Bộ Ngoại giao.

Cũng liên quan đến vaccine, Thủ tướng yêu cầu cần tuyên truyền về việc tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý, hiệu quả giữa các lực lượng, các địa bàn trọng điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và TP.HCM. Phải giải thích cho nhân dân việc tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất trong phòng ngừa dịch COVID-19.

Thủ tướng cũng kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, mọi cơ quan địa phương ủng hộ trí tuệ, tiền bạc, mối quan hệ, phương pháp để xây dựng quỹ vaccine.

Ngoài các giải pháp trên, Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị cũng đẩy mạnh công tác phòng chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch COVID-19 với phương châm: 5K + vaccine + công nghệ như công nghệ truy vết, công nghệ kiểm soát an toàn COVID-19, công nghệ cách ly, công nghệ chặt chẽ nhập cảnh và cư trú trái phép…

Đối với Ban Quản lý các khu công nghiệp, các chủ doanh nghiệp cần tập trung bảo vệ sức khẻo cho công nhân, người lao động. Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa bảo vệ lợi ích hợp pháp của công nhân, đồng thời cũng giao trách nhiệm cho các chủ doanh nghiệp, nhà quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Còn với Bộ Y tế, Thủ tướng đề nghị Bộ này phải huy động nguồn lực từ các trường y để thay nhau hỗ trợ lực lượng y tế.

Đối với Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng đề nghị cơ quan này thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do dịch. Các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh và cư trú trái phép.

“Dù phòng chống dịch vẫn phải tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp, các lĩnh vực dịch vụ” – Thủ tướng kết thúc bài phát biểu.

Ông Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo chống dịch ở TP.HCM những ngày cao điểm

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới các địa phương bám sát tình hình, nhanh chóng và kịp thời đưa ra phương hướng, giải pháp cụ thể và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Trước mắt, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo chung về công tác phòng chống dịch COVID-19; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình sẽ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo tại TP.HCM trong những ngày cao điểm của dịch; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành sẽ chỉ đạo phòng chống dịch và khôi phục lại sản xuất kinh doanh của hai địa phương công nghiệp là Bắc Ninh và Bắc Giang.

Còn tại Hà Nội, ngoài Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp điều hành, chỉ đạo còn có các bộ ngành phối hợp hỗ trợ.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành phải kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “ba không”: không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu cơ chế, chính sách, vật tư, sinh phẩm… Nếu vượt quá thẩm quyền của bộ ngành thì phải báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để gỡ vướng.

Nguồn PLO

Tin liên quan