Bóc tách, giám sát những lĩnh vực người dân chưa hài lòng

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; cùng lãnh đạo các sở ngành, quận huyện.

Thủ tục đất đai, xây dựng, đầu tư đạt mức hài lòng thấp
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, chính quyền các cấp cùng các ngành đã vào cuộc thực hiện nhiệm vụ đột phá CCHC và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Đồng chí liệt kê 8 điểm nổi bật đã đạt được, đặc biệt là lãnh đạo các cấp, các ngành đã thật sự quan tâm đến nhiệm vụ CCHC. “Đột phá CCHC chỉ có thể thực hiện được khi người đứng đầu và từng cán bộ, công chức, viên chức tham gia”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Cùng đó là triển khai mô hình phòng họp không giấy, lần đầu tiên ban hành quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính với thời hạn cụ thể.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghịẢnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ không hài lòng với chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh của TPHCM năm 2018 bị tụt 2 hạng so với năm trước, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành. TPHCM vẫn đứng 19/63 về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; công tác cải cách bộ máy đứng 36/63 tỉnh, thành. Đặc biệt, chỉ số đánh giá tác động CCHC đến sự hài lòng của người dân, tổ chức trong phát triển kinh tế - xã hội đứng thứ 60/63 tỉnh, thành.

“Chúng ta quan tâm, thực hiện công tác này và đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn bị đánh giá thấp”, đồng chí nhận xét và lưu ý phải phân tích kỹ những hạn chế, để có giải pháp khắc phục.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, tỷ lệ hài lòng chung của toàn TPHCM đạt trên 82% nhưng chỉ số hài lòng trong giải quyết hồ sơ về thủ tục đất đai, xây dựng và đầu tư của TPHCM đạt mức thấp. Do đó, khi đánh giá kết quả hài lòng trong 6 tháng cuối năm cần bóc tách 3 lĩnh vực này, qua đó có giám sát, nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân. Đồng chí cũng nhấn mạnh, để TPHCM chuyển động trong CCHC thì từng quận huyện, sở ngành phải thực sự chuyển động.

Đồng chí cũng gợi ý một số giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm, trong đó rà soát, nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4; mở rộng ứng dụng trực tuyến ghi nhận phản ánh của người dân đến tất cả các quận huyện. Cùng với đó là việc triển khai ghi nhận sự hài lòng của người dân, không chỉ ở đầu ra mà thực hiện ở từng công đoạn. Đồng chí yêu cầu, từ 6 loại thủ tục hiện đang được thí điểm đánh giá theo cách này, đến tháng 6-2020, hơn 100 thủ tục ở quận huyện, phường xã thị trấn phải được chuẩn hóa, để đánh giá cán bộ ở tất cả các khâu trong giải quyết hồ sơ hành chính.

Cán bộ còn sợ trách nhiệm
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho hay trong 6 tháng đầu năm 2019, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ 6 nhiệm vụ CCHC. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được các cơ quan, đơn vị thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Số lượng thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được mở rộng (1.140 thủ tục trực tuyến mức độ 3, 375 thủ tục mức độ 4). Việc khảo sát, lấy ý kiến hài lòng của người dân được thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức và ngày càng chất lượng.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng ban Ban chỉ đạo CCHC TPHCM, đã bày tỏ không hài lòng khi có 31.900 hồ sơ trễ hạn (chiếm 0,31%), chủ yếu ở lĩnh vực đất đai. Tỷ lệ không hài lòng trong giải quyết hồ sơ hành chính còn gần 18%, cũng vẫn tập trung ở lĩnh vực đất đai. Một số thủ tục còn rất chậm, gây sự bức xúc cho người dân. Đồng chí yêu cầu Sở TN-MT TPHCM phải phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn xuống còn dưới 0,1%.

Đánh giá chung về công tác CCCH, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng một số thủ trưởng cơ quan chuyên môn, chủ tịch UBND quận huyện chưa sâu sát trong chỉ đạo điều hành CCHC và còn tâm lý sợ trách nhiệm. Ở một số nơi, việc CCHC chưa thực chất, chưa có nhiều mô hình CCHC xứng tầm với năm đột phá CCHC; việc ủy quyền còn chậm.

Nhấn mạnh lại yêu cầu đột phá CCHC, nâng cao sự hài lòng của người dân, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành, quận huyện tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã được xác định; bám sát, triển khai hiệu quả các đề án thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Văn phòng UBND TPHCM phải nhân rộng mô hình ghi nhận đánh giá sự hài lòng của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính; nhân rộng mô hình phòng họp không giấy, ứng dụng giao việc tức thời - nhắc việc thông minh.

Đồng chí yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu tổ chức thanh tra, kiểm tra, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, thái độ ứng xử của công chức, viên chức và đề xuất xử lý nghiêm với hành vi nhũng nhiễu khi thi hành công vụ. Đồng chí cũng mong muốn các cơ quan báo chí kịp thời thông tin về CCHC, trong đó phản biện cả các mặt chưa được trong CCHC để lãnh đạo TPHCM chấn chỉnh.

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM:
Liên thông thuế điện tử với cơ quan thuế

Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) của TPHCM tiếp nhận gần 380.000 hồ sơ về nhà, đất. Qua giải quyết có 90% hồ sơ đúng hạn và đến 10% (hơn 34.000 hồ sơ) trễ hạn.

Để khắc phục, Sở TN-MT ủy quyền Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận huyện ký giấy chứng nhận, rút ngắn thời gian giải quyết khoảng 10 ngày. Việc này giúp giảm áp lực hồ sơ chuyển về VPĐKĐĐ TPHCM, tiết kiệm chi phí vận chuyển (khoảng 2 tỷ đồng/năm) và đảm bảo 60% hồ sơ trễ hạn được giải quyết đúng hạn.

Cùng đó, Sở TN-MT ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ; thí điểm mô hình liên thông thuế điện tử giữa cơ quan TN-MT với thuế. Hiện nay, Sở TN-MT cũng đang thí điểm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên phần mềm tại quận 1 và quận 12. Theo đó, các bước đều được giải quyết trên môi trường số, thay thế toàn bộ quy trình hồ sơ giấy.

Thượng tá NGUYỄN ĐỨC NGHIỆM, Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA08), Công an TPHCM:
Làm thủ tục không cần giấy, viết

Trung bình PA08 phục vụ gần 2.000 lượt người/ngày làm thủ tục cấp, đổi hộ chiếu. PA08 đã áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ người dân. Cụ thể, PA08 ứng dụng công nghệ đọc mã vạch 2 chiều QRcode, sử dụng máy quét tờ khai tốc độ cao trong cấp, đổi hộ chiếu phổ thông cho những trường hợp khai trực tuyến.

Mô hình này giúp tăng năng suất (20%) và giảm nhân lực tại bộ phận xử lý (trên 40%), còn 1 người quét tờ khai, thay vì 3-4 người như trước. PA08 đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện ứng dụng xử lý tự động ảnh hộ chiếu đối với các hồ sơ trẻ em, không phải quét thủ công như trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 143.000 trường hợp khai qua mạng (83%). Người dân sau khi thực hiện khai trực tuyến, chỉ cần đem chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân bản chính đến phòng nộp hồ sơ, không cần phải đem bất kỳ giấy tờ nào khác. PA08 đang tiến tới dịch vụ công mức độ 4 và người dân có thể làm hộ chiếu trực tuyến tại nhà hoặc tại trụ sở PA08 mà không cần giấy, viết.

Nguồn: Báo SGĐT

Tin liên quan