Các đảng ở Mỹ vận động bầu cử như thế nào?

Lịch sử thành lập đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ

Đảng Cộng hòa được thành lập vào đầu những năm 1850. Ngày 6/7/1854, hội nghị chính thức đầu tiên được tổ chức tại Jackson, Michigan đã thông qua cương lĩnh của đảng và giới thiệu các ứng cử viên cho Văn phòng Michigan.

Năm 1856, Cộng hòa trở thành một đảng quốc gia khi John Friman được đề cử tranh cử tổng thống. Bốn năm sau đó (1860), Abraham Lincoln là người đầu tiên của đảng Cộng hòa trở thành Tổng thống Mỹ. Biểu tượng của đảng Cộng hòa là con voi. Đây được xem là đảng của các tập đoàn tài phiệt - công nghiệp.

Các đời tổng thống trong suốt những năm cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20 đều là người thuộc đảng Cộng hòa. Từ 1952 đến 2004, có tới 32 năm lãnh đạo Nhà Trắng là người của đảng Con voi (D. Eisenhower, R. Nixon, G. Ford, G. Bush cha và G. Bush con).

Tổng thống Donald Trump (đảng Cộng hòa) và đối thủ Joe Bien (đảng Dân chủ)

Đảng Dân chủ được Thomas Jefferson thành lập năm 1792, lúc đó chỉ là một tổ chức chính trị của các nghị sĩ đấu tranh cho bản Tuyên ngôn nhân quyền và chống lại đảng của những người chủ trương thành lập liên bang.

Năm 1798, tổ chức này đổi tên thành đảng Cộng hòa - Dân chủ để rồi 2 năm sau (1800) đưa T. Jefferson lên ngôi vị Tổng thống 2 nhiệm kì liên tiếp. Năm 1824, đảng này bị chia rẽ và Andrew Jackson đứng ra thành lập đảng Dân chủ - tên gọi này được chính thức hóa tại đại hội toàn quốc năm 1844.

Đảng Dân chủ, với biểu tượng con lừa, được coi là đảng của giới tư bản trung lưu, tầng lớp lao động. Song thực tế không hoàn toàn như vậy. Có rất nhiều nhà tư bản lớn vẫn ủng hộ đảng Dân chủ, trong khi nhiều cử tri thuộc tầng lớp lao động lại ủng hộ đảng Cộng hòa.

Những tổng thống thuộc đảng Dân chủ nổi tiếng trong thế kỉ 19 là T. Jefferson, J. Madison, J. Monroe và A. Jackson; Trong thế kỉ 20 là F. Roosevelt, H. Truman, J. Kennedy, L. Jonson, J. Carter và B. Clinton.

Cơ cấu tổ chức và đảng viên

Cả hai đảng đều có cơ sở tại các cấp liên bang, bang, quận, hạt (ở các quận lớn) và cả ở nước ngoài. Tại mỗi cấp, các đảng đều có ủy ban để chỉ đạo. Cấp bang trở xuống gọi là ủy ban điều hành (Executive Commitee), thành phần có chủ tịch, phó chủ tịch, thư kí, ủy viên tài chính...

Ở cấp liên bang có ủy ban quốc gia/ủy ban toàn quốc (National Commitee) được các tiểu ban giúp việc. Chủ tịch ủy ban quốc gia là người đứng đầu đảng. Ủy ban này có nhiệm vụ quản lí chung cho đảng, lập kế hoạch tổ chức đại hội đảng toàn quốc 4 năm một lần theo nhiệm kì của tổng thống để giới thiệu ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống; tuyên truyền cho các ứng cử viên của đảng; phối hợp với các tổ chức đảng địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu, kiến nghị của cử tri và cả nước.

Ngoài ra, ở cấp liên bang và cấp bang, mỗi đảng còn có ủy ban vận động bầu cử Hạ viện và Thượng viện, cùng các tổ chức thanh niên, phụ nữ, trường học.

Vấn đề gia nhập đảng khá đơn giản. Bất cứ ai cũng có thể gia nhập đảng hoặc ra khỏi đảng khi không còn ủng hộ đảng đó. Người tham gia đảng chỉ việc cam kết tuân thủ điều lệ đảng. Sinh hoạt đảng nói chung lỏng lẻo. Tổ chức đảng cấp trên không chỉ đạo, áp đặt được đối với tổ chức đảng cấp dưới.

Trong đảng không có việc kết nạp đảng hoặc đóng đảng phí mà chỉ đăng kí ghi tên là được. Việc đăng kí theo đảng nào là thủ tục mang tính hành chính đối với các cuộc bầu cử sơ bộ ở các địa phương. Nhưng trên thực tế, có người không đăng kí bỏ cho đảng nào nên họ tham gia bỏ cả 2 hòm phiếu.

Phương thức vận động bầu cử

Cả hai đảng vận động và thu hút quần chúng chủ yếu thông qua quảng cáo và tuyên truyền. Vào mùa bầu cử, các đảng đưa ra cương lĩnh tranh cử, thể hiện quan điểm của đảng trong một số vấn đề đang được dư luận Mỹ quan tâm. Các đảng đều có bộ phận chuyên theo dõi thăm dò dư luận để phát hiện những mối quan tâm chủ yếu của người dân ở các địa phương.

Trên cơ sở đó, ủy ban quốc gia của mỗi đảng lựa chọn ra những vấn đề cần tập trung để tuyên truyền vận động. Tuy nhiên, các ứng cử viên của đảng không nhất thiết phải theo cương lĩnh tranh cử của đảng. Họ có quyền tự do lựa chọn những vấn đề mà họ cho là có thể dễ dàng tranh thủ lá phiếu của cử tri.

Các đảng phải khéo léo lựa chọn ra các ứng cử viên được lòng cử tri, đủ khả năng thắng ứng cử viên của đảng kia trong từng cuộc bầu cử tại địa phương lẫn liên bang.

Thông thường đảng viên của đảng bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng mình, nhưng cũng có không ít người bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng khác. Những cử tri tuyên bố ủng hộ đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ không phải lúc nào cũng ủng hộ và bỏ phiếu cho đảng đó. Ở những nơi mà tỉ lệ ủng hộ hai đảng sít sao, việc tuyên truyền thu hút những “cử tri không ổn định” này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nguồn tài chính dành cho hoạt động của các đảng nói chung và dành cho bầu cử nói riêng chủ yếu là từ quyên góp, phổ biến nhất là thông qua các bữa tiệc gây quỹ. Những người đến dự tiệc gây quỹ phải đóng một khoản tiền nhất định để được nghe một chính khách nào đó nói chuyện.

Các đảng viên có trách nhiệm lôi kéo những người nhiều tiền để họ đóng quỹ cho đảng của mình. Các công ty lớn, các nhà doanh nghiệp và các tổ chức vận động hậu trường thường nhân cơ hội này đóng góp khoản tiền nhiều hơn cho đảng hoặc ứng viên mà họ tin rằng sẽ ủng hộ họ khi thắng cử.

Diễn giả thuyết trình chỉ được nhận một khoản thù lao nhỏ chứ không được nhận toàn bộ số tiền mà bữa tiệc thu được. Tiền quyên góp cho ứng cử viên cụ thể nào được dùng cho hoạt động quảng cáo của ứng cử viên đó.

Trong đa số các cuộc bầu cử trước đây, kết quả cuối cùng phụ thuộc rất nhiều vào những diễn biến bất thường trong đời sống chính trị nước Mỹ và phần đáng kể phụ thuộc vào phẩm chất cá nhân của các ứng viên.


Nguồn: Báo VietnamNet

Tin liên quan