Điều thú vị trong mâm cỗ Trung thu Bắc, Trung, Nam
Mâm cỗ Trung thu không thể thiếu trong ngày lễ Trung thu. Ở mỗi vùng miền,cách bày mâm cỗ Trung thu sẽ khác nhau để phù hợp với phong tục tập quán.
Mâm cỗ Trung thu ngày nay có nhiều biến tấu (hình minh họa)
Dù có những sắc thái riêng biệt giữa các vùng miền nhưng Tết Trung thu từ lâu đã trở thành một trong những dịp ý nghĩa trong năm của người Việt. Với những đặc trưng về khí hậu, địa lý, sản vật theo mùa mà mâm cỗ Trung thu ba miền có sự khác biệt, nhưng tất cả đều phản ánh một ước muốn chính đáng, đó là kỳ vọng về lẽ bình an, sự may mắn, sung túc của người Việt.
Cách bày mâm cỗ Trung thu ở miền Bắc
Mâm cỗ Trung thu ở miền Bắc gồm chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, bánh trung thu... Người miền Bắc sẽ đặt nải chuối ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác và chuối thể hiện sự che chở của đất trời cho con người.
Tiếp theo, chính giữa nải chuối là quả bưởi và đào, hồng, quýt đặt ở xung quanh. Có thể thay thế bưởi bằng quả phật thủ cũng được. Còn lại những chỗ khuyết thì đặt xen kẽ quýt vàng, táo xanh hoặc ớt đỏ. Ngày nay thì nhiều người thường chọn những loại trái cây có nhiều màu sắc khác nhau, tuy nhiên tất cả đều nhằm để cầu tiền tài, sung túc và ấm no.
Bên cạnh đó, mâm cỗ Trung Thu miền Bắc không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo tạo hình vuông, tròn, cá chép,... để thưởng thức cùng trà ướp hương sen. Đặc biệt, mâm cỗ có cách bày trí bắt mắt với những tạo hình ngộ nghĩnh như ông tiến sĩ giấy, chó bông kết bằng bưởi và các con vật được làm bằng hoa quả hoặc giấy màu.
Mùa thu đối với người Hà Nội thường gắn với những cuộc dạo chơi phố phường, rủ nhau lên phố Hàng Mã dạo chơi, ngắm những món đồ trang trí đủ màu sắc bắt mắt được bày bán. Mọi người ra phố cẩn thận chọn lựa những hộp bánh trang trọng làm quà biếu cho bậc trưởng lão trong dòng họ, những đối tác quan trọng. Mâm cỗ Trung thu của người Hà Nội ít thiếu món cốm, chuối bọc lá sen ngan ngát hương.
Cách bày mâm cỗ Trung thu ở miền Trung
Cách bày mâm cỗ Trung thu đơn giản nhất.
Mâm cỗ Trung thu ở miền Trung thì thường không quá cầu kì, có gì cúng nấy vì đặc điểm của mảnh đất miền Trung là thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi và còn ít hoa trái, thường có nhiều nhất là: Đu đủ, xoài, mãng cầu, sung, chuối…
Cách sắp xếp mâm ngũ quả cũng tùy thuộc vào sự sáng tạo của mỗi người và thành kính dâng lên tổ tiên để cầu được bình an, may mắn trong cuộc sống.
Nếu như miền Bắc và miền Nam đầy đủ những loại trái cây để phá cỗ đêm Trung Thu thì với sự khắc nghiệt của khí hậu miền Trung đã làm cho mâm ngũ quả Trung Thu đơn giản, chủ yếu là lòng thành tâm dâng kính tổ tiên.
Mâm cỗ Trung Thu miền Trung cũng đầy đủ bánh nướng, đèn truyền thống, mâm ngũ quả và nhiều trò chơi hấp dẫn. Nổi bật phải kể đến nhiều hoạt động náo nhiệt như thả hoa đăng trên sông, lễ hội đèn lồng,... tạo cho các bé cảm giác lạc vào thế giới cổ tích huyền ảo.
Cách bày mâm cỗ Trung thu ở miền Nam
Người miền Nam rất coi trọng phong tục thờ cúng và mâm ngũ quả vì thế cũng được chuẩn bị khá cầu kì. Trên mâm ngũ quả của người dân miền này thường có đu đủ, mãng cầu, dừa, xoài, sung, được hiểu là “Cầu sung vừa đủ xài”.
Đặc biệt, mâm ngũ quả phải có chân đế là 3 trái dứa thể hiện sự vững vàng và một cặp dưa hấu tượng trưng cho lòng trung nghĩa của người phương Nam.
Mâm cỗ Trung thu ngày nay giản dị hơn xưa (hình minh họa).
Mâm cỗ Trung thu của người miền Nam không thể thiếu hộp bánh truyền thống hoặc bánh pía đặt cạnh. Ngày nay, người dân miền Nam bày trí mâm cúng giản dị, mùa nào quả nấy, vừa rẻ vừa tiện.
Người miền Nam dường như thích đi chơi hơn ở nhà vào dịp này, vì thế mâm cỗ Trung thu của họ đơn giản hơn so với các miền còn lại và phố phường thì lại có vẻ đông đúc hơn.
Nguồn: giaoducthoidai.vn