Gen Z ở Mỹ không còn quan tâm nhiều đến các ngành nghề kỹ thuật

Phòng thương mại Mỹ cảnh báo về sự thiếu hụt lớn công nhân lành nghề vào năm 2023 đối với các ngành nghề như kỹ thuật viên ôtô, thợ điện, thợ sửa ống nước.

Gen Z tại Mỹ ít lựa chọn các công việc thực hành truyền thống trong các ngành kỹ thuật và thương mại lành nghề. Ảnh: Pexels.

Justin Mwandjalulu, 20 tuổi, thích chế tạo đồ đạc. Những ngày này, với tư cách là một thợ mộc học việc, anh lắp đặt vách thạch cao trong các ngôi nhà cùng với những người còn lại trong đội xây dựng của mình.

Từ nhỏ, Mwandjalulu mơ ước trở thành thợ mộc hoặc thợ điện, và giờ anh đang thực hiện ước mơ đó. Nhưng điều đó cũng khiến anh trở thành một ngoại lệ.

Trong khi Gen Z, thường được mô tả là những người sinh từ năm 1997 đến 2012, đang trên đà trở thành thế hệ có trình độ học vấn cao nhất, ngày càng ít người trẻ chọn các công việc thực hành truyền thống trong các ngành kỹ thuật và thương mại lành nghề, theo NPR.

Lao động lành nghề đã giảm

Theo dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng trực tuyến Handshake, tỷ lệ nộp đơn xin việc của người trẻ tuổi tìm kiếm các công việc kỹ thuật như sửa ống nước, xây dựng và điện đã giảm 49% so với năm 2020.

Các nhà nghiên cứu từ Handshake đã theo dõi số lượng đơn xin việc cho vị trí kỹ thuật so với số lượng tin tuyển dụng, số liệu có sự thay đổi trong 2 năm qua.

Cụ thể, khi đăng tuyển cho các vị trí kỹ thuật viên ôtô, người lắp đặt thiết bị và nhà trị liệu hô hấp, một số vị trí nhận được trung bình 10 đơn đăng ký vào năm 2020. Đến nay, con số trung bình giảm xuống còn khoảng 5 đơn.

Phòng thương mại Mỹ cảnh báo về sự thiếu hụt lớn công nhân lành nghề vào năm 2023 đối với các ngành nghề như kỹ thuật viên ôtô. Cùng với đó là lực lượng lao động già hóa.

“Trong một thời gian dài, xã hội không đề cập đến thuận lợi của công việc tay chân. Thay vào đó, chúng ta khuyến khích tất cả học sinh vào đại học và chọn công việc văn phòng", ông Cruzvergara, Giám đốc chiến lược giáo dục của Handshake, nói.

Một con đường không phù hợp với tất cả

Sống ở thành phố Iowa, Mwandjalulu (Benin, châu Phi) đang học chương trình nghề mộc kéo dài 4 năm. Thấy trường học khó khăn, anh cùng gia đình di cư đến Mỹ khi còn là sinh viên năm nhất.

Trong khi người anh song sinh của mình hiện học để làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, Mwandjalulu cho biết anh gặp khó khăn trong việc viết và hiểu tiếng Anh. Ngoài ra, anh không phải kiểu người thích ở một chỗ và cả ngày chỉ xử lý giấy tờ.

Justin Mwandjalulu kiếm được gần 24 USD/giờ khi học nghề thợ mộc ở Iowa. Anh rất vui vì đã tránh được khoản nợ sinh viên. Ảnh: Justin Mwandjalulu.

Khi tốt nghiệp trung học, Mwandjalulu cho biết mình bị trầm cảm vì không biết muốn làm gì với cuộc đời. Nhiều người bạn của anh tốt nghiệp đại học đang phải vật lộn để tìm việc làm.

"Tôi không muốn giống họ. Tôi không muốn chỉ tiêu tiền và vay nợ nhiều rồi không sử dụng đến bằng cấp đó", anh nói và đề cập đến bằng tốt nghiệp.

Theo Bộ Giáo dục Mỹ, khoảng 45 triệu người ở Mỹ nợ gần 1,3 nghìn tỷ USD tiền vay sinh viên. Nhưng Mwandjalulu, kiếm được gần 24 USD/giờ từ công việc thợ mộc, cho biết anh vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục bạn bè, những người mà anh vẫn giữ liên lạc trên mạng xã hội đi theo con đường của mình.

Câu chuyện đang thay đổi

Paul Iversen, nhà giáo dục lao động tại Trung tâm Lao động của Đại học Iowa, hy vọng sẽ thay đổi điều đó.

Iversen tham gia điều hành một chương trình tiền học nghề. Ông cho biết một trong những lý do khiến Gen Z ít tham gia vào các ngành nghề có tay nghề cao là công việc thường được truyền lại trong các gia đình.

Boyd, 57 tuổi, sở hữu một trang trại rộng 300 mẫu anh (khoảng 120 ha) ở Virginia. Ông trồng đậu nành, ngô, lúa mì và chăn nuôi gia súc giống như ba thế hệ trước. Nhưng giờ đây, không ai trong số 3 người con của ông muốn tiếp quản khi ông về hưu.

“Mọi người trong trang trại của tôi đều trên 50 tuổi. Chúng tôi cần người trẻ với nguồn năng lượng mới", ông Boyd, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Quốc gia Mỹ, cho biết.

Michael Coleman, 28 tuổi, là một trong số đó. Anh nhận học bổng từ tổ chức phi lợi nhuận NBFA vào năm 2015 để theo học ngành Khoa học động vật tại Đại học Alcorn. Coleman hiện là kỹ thuật viên thú y của Bộ Nông nghiệp Mỹ và sở hữu trang trại của riêng mình.

Nhưng Coleman cho biết nhiều người trẻ bày tỏ sự quan tâm đến kinh doanh nông nghiệp và các ngành kỹ thuật khác, đặc biệt sau đại dịch.

Các nhà tuyển dụng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động trẻ đảm nhận công việc trong các ngành nghề lành nghề. Ảnh: AP.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, mức lương trung bình cho thợ mộc vào năm 2021 là 48.260 USD mỗi năm. Đối với thợ sửa ống nước, thợ lắp đường ống và thợ lắp hơi nước, con số đó là 59.880 USD, và đối với nông dân, chủ trang trại và nhà quản lý nông nghiệp là 73.060 USD.

Iversen, người thường xuyên đến thăm các trường trung học xung quanh thành phố Iowa và làm việc với các cố vấn của trường để đưa học sinh vào chương trình chuẩn bị học nghề, cho biết để đảm bảo nhân lực cho các công việc kỹ thuật cần có sự tuyển dụng tích cực.

Iversen cho biết đặc biệt hiện nay, khi chính phủ liên bang rót hàng tỷ USD vào các dự án nâng cấp đường xã và hệ thống giao thông trên toàn quốc, đây là cơ hội để lấp đầy các vị trí còn trống.

“Chúng tôi phải tuyển người để làm những công việc này, nếu không những cây cầu của chúng tôi sẽ sụp đổ", ông Iversen nói.

Nguồn: zingnews.vn

Tin liên quan