Hội thảo: Báo chí với hoạt động của Đại biểu Quốc hội

Quang cảnh hội thảo. Ảnh HNM

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn để các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các cơ quan của Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan quản lý báo chí và cơ quan thông tấn báo chí trao đổi về vai trò của truyền thông, về cách thức tiếp cận với báo chí và xử lý sự cố truyền thông đối với các hoạt động của Quốc hội và các hoạt động của Đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, hội thảo cung cấp thông tin, kiến thức, kinh nghiệm của Nghị viện Nhật Bản trong việc sử dụng công cụ báo chí phục vụ hoạt động của ĐBQH;

Qua đó tăng cường năng lực của cán bộ, công chức VPQH trong việc tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo về lĩnh vực thông tin, báo chí, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH, các cơ quan của QH và ĐBQH.

Tại hội thảo, các nhà báo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận về: Hoạt động sử dụng truyền thông mạng - mạng xã hội của nghị sĩ; vai trò và ảnh hưởng của mạng xã hội đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội; hoạt động lấy tin từ nghị sĩ và Văn phòng Nghị viện; kỹ năng tiếp xúc và tương tác với báo chí của đại biểu Quốc hội Việt Nam; việc sử dụng truyền thông trong hoạt động tiếp xúc người dân của nghị sĩ…

Trong tham luận “Nâng cao năng lực tương tác với báo chí của Đại biểu Quốc hội Việt Nam”, nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho rằng, báo chí có vai trò vừa là nguồn cung cấp thông tin, vừa là phương tiện truyền tải ý kiến, quan điểm của Đại biểu.

Bên cạnh đó, báo chí là kênh tạo lập hình ảnh của Đại biểu trước cử tri và công chúng; qua tương tác với báo chí, Đại biểu sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí...

Theo ông, cần tạo điều kiện thuận lợi cho Đại biểu Quốc hội tương tác với báo chí thông qua việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội với các cơ quan báo chí.

Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, trước yêu cầu đổi mới về các mặt hoạt động của Quốc hội, đòi hỏi các cơ quan báo chí không ngừng nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, tăng cường năng lực, kỹ năng cho phóng viên nghị trường.

Bên cạnh đó, Quốc hội cần quan tâm tập huấn, tăng cường các kỹ năng cho đại biểu Quốc hội tích cực, chủ động tiếp xúc với báo chí, góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó, tự tin giữa đại biểu Quốc hội và báo chí.

Nguồn: Báo Người Làm Báo

Tin liên quan