Lãng phí người tài: Bố trí việc không phù hợp, các bên đều thiệt

Một số thạc sĩ trong buổi gặp lãnh đạo UBND TP.HCM vào ngày 18.9.2018 sau khi về nước - Ảnh: Trung Hiếu

Như Thanh Niên hôm qua phản ánh trong bài Lãng phí người tài: Du học thạc sĩ, về làm nhập liệu!, anh Phạm Quốc Thái (26 tuổi), hiện công tác ở Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, từng học kỹ sư tài năng ngành kỹ thuật xây dựng của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Sau tốt nghiệp năm 2017, anh làm cho một công ty của Mỹ với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Khi biết thông tin TP.HCM phối hợp cùng Công ty Intel Products VN (gọi tắt là Intel) thông qua ĐH Arizona (Mỹ) tìm kiếm, đào tạo nhân sự cho các chương trình đô thị thông minh mà TP.HCM xúc tiến, anh gửi hồ sơ ứng tuyển. Vượt qua nhiều cuộc phỏng vấn, tháng 7.2017, anh Thái cùng 5 ứng viên khác nhận học bổng chương trình thạc sĩ tại ĐH Arizona thời gian 1 năm.

Chi phí học hành, sinh hoạt ở Mỹ khoảng 65.000 USD (tương đương 1,5 tỉ đồng) đều do Intel tài trợ, với điều kiện sau khi học xong phải làm việc cho các dự án nằm trong đề án thành phố thông minh của TP.HCM ít nhất 3 năm.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp về nước, anh Thái được phân công về Phòng Quản lý chất lượng thực phẩm của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, làm công việc mà một lao động phổ thông tốt nghiệp THCS có thể hoàn thành tốt: nhận tờ khai của doanh nghiệp thực phẩm, kiểm tra việc điền thông tin về truy xuất nguồn gốc có khớp, nếu không khớp sẽ hướng dẫn điền cho đúng...

Làm như để... trả nợ

Nếu không được phân công việc phù hợp với năng lực thì các bên đều chịu thiệt thòi. Phía bỏ tiền đào tạo không thu được kết quả như mong đợi, còn thiệt thòi của tôi là mất thời gian

Thạc sĩ Nguyễn Quang Hưng

Nhưng trường hợp anh Thái không phải cá biệt. Cùng trong nhóm nhận học bổng chương trình thạc sĩ tại ĐH Arizona đào tạo nhân sự cho đề án đô thị thông minh của TP, sau khi về TP.HCM, anh Nguyễn Quang Hưng (24 tuổi, trước đó học Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) được bố trí về phòng thí nghiệm, Trung tâm quan trắc TN-MT thuộc Sở TN-MT TP.HCM, với mức lương 3,2 triệu đồng/tháng. Mức lương quá thấp nên vợ chồng Hưng sau khi trả thuê nhà 3 triệu đồng/tháng ở Q.4 hầu như không có dư, làm được từng nào tiêu hết từng đó.

“Công việc của tôi tuy phù hợp chương trình đào tạo nhưng tính chuyên môn chưa cao, thậm chí sinh viên mới ra trường cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ, chứ không cần tới thạc sĩ học ở Mỹ. Tuy nhiên, mục tiêu của tôi trước 30 tuổi là học hỏi thêm kinh nghiệm càng nhiều càng tốt”, anh Hưng chia sẻ và cho hay mình luôn có tính lạc quan, luôn hướng về tương lai kể cả ở những thời điểm khó khăn.

“Có khi nào thấy thất vọng vì công việc không như kỳ vọng ban đầu?”, anh Hưng đáp: “Tôi xác định người ta bỏ ra 65.000 USD, khoảng 1,5 tỉ đồng để đưa mình đi học và giờ tôi phải trả lại thời gian gắn bó 3 năm như cam kết. Hết 3 năm nếu thấy không phát triển được như kỳ vọng tôi sẽ xin ra ngoài làm. Nếu không được phân công việc phù hợp với năng lực thì các bên đều chịu thiệt thòi. Phía bỏ tiền đào tạo không thu được kết quả như mong đợi, còn thiệt thòi của tôi là mất thời gian”.

Tương tự, sau khi hoàn thành chương trình học bổng thạc sĩ ở Mỹ, anh Đào Đoàn Duy (25 tuổi, từng tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) được phân công về Phòng Quan trắc môi trường của Trung tâm quan trắc TN-MT thuộc Sở TN-MT TP.HCM với công việc “ra hiện trường đo môi trường, không khí”. Xét về lĩnh vực, anh Duy cho hay đây là ngành anh được đào tạo, song tính chất công việc còn đơn giản và chưa cần đào tạo chuyên sâu thạc sĩ. “Công việc chủ yếu là giám sát lấy mẫu lặp đi lặp lại, người chưa biết chỉ cần nhìn sơ qua vài lần là có thể làm được. Với nhân viên mới như tôi, làm quen với các công việc cơ bản như vậy là điều cần thiết, nhưng nếu chỉ làm công việc này trong thời gian dài thì tương đối lãng phí”, anh Duy cho biết và chia sẻ: “Tôi tham gia chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ tại Mỹ với rất nhiều kỳ vọng vì muốn vận dụng kinh nghiệm học được ở nước ngoài và năng lực vốn có của mình để đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM và dự án thành phố thông minh. Tuy nhiên, do còn nhiều khúc mắc mang tính hệ thống, rất khó cho tôi có đủ điều kiện để phát huy năng lực và thực hiện được nguyện vọng của mình”.

Hiện nay, với mức lương 3,3 triệu đồng/tháng, ngoài giờ làm việc, anh Duy phải đi làm thêm để không bị mai một kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ, đồng thời có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Bỏ nhiều học bổng vì muốn đóng góp vào đô thị thông minh

Chị Hoàng Thị Khánh Hà (hiện công tác ở Sở Xây dựng TP.HCM) là nữ duy nhất trong số 6 người nhận học bổng tại ĐH Arizona do Intel tài trợ. Đáng chú ý, cùng thời điểm nhận học bổng đi Mỹ, chị Hà nhận được học bổng toàn phần thạc sĩ ngành vật lý ở ĐH Paris - Saclay (Pháp) trong 2 năm. Đây là một trong những ĐH hàng đầu của Pháp. Nếu đồng ý học ở đây, mỗi năm chị Hà sẽ nhận học bổng trị giá 10.000 euro (khoảng 260 triệu đồng) và sau này có nhiều cơ hội học tiếp tiến sĩ. Việc cùng một lúc nhận được hai học bổng khi đó khiến chị Hà rất băn khoăn vì không biết lựa chọn trường nào. Tuy nhiên sau khi tham vấn thầy cô và người thân, chị chọn đi Mỹ học thạc sĩ bởi thấy chương trình hay, học xong về làm cho đề án đô thị thông minh của TP.HCM.

Thời gian trước khi tốt nghiệp ĐH, chị Hà và một số bạn cùng học đã tìm hiểu và trúng tuyển công việc đúng chuyên ngành ở một công ty sản xuất chíp điện tử, bán dẫn của Nhật Bản có trụ sở tại TP.HCM. Dù nhiều lần được đề nghị nhưng chị Hà từ chối cung cấp về mức lương cũng như công việc hiện tại ở Phòng Phát triển đô thị thuộc Sở Xây dựng TP.HCM Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, chị Hà học ngành vật lý của ĐH Huế, học thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật và khoa học vật liệu ở Mỹ, nhưng hiện được phân làm công việc giấy tờ hành chính, không dính dáng gì tới chuyên môn được học!

Ngoài trường hợp anh Thái và chị Hà, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, một số người trong nhóm cũng nhận học bổng nước ngoài cùng thời gian với học bổng thạc sĩ đi Mỹ. Như anh Hồ Hoàng Hải Nam (công tác ở Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, Sở GTVT) nhận học bổng tiến sĩ chuyên ngành vật lý của một viện nghiên cứu khoa học ở Hàn Quốc. Dù phân vân nhưng cuối cùng anh Nam cũng chọn học ở Mỹ vì muốn sớm về nước làm việc, đóng góp cho đất nước. Hay thạc sĩ Nguyễn Quang Hưng trước đó cũng nhận học bổng tiến sĩ chuyên ngành hóa ở Mỹ nhưng cuối cùng chọn học thạc sĩ ở ĐH Arizona vì muốn làm việc đề án đô thị thông minh của TP.HCM...

“Choáng” khi biết lương thạc sĩ 2,8 triệu đồng !

Anh Nguyễn Đức Anh, học Khoa Máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ở trọ chung với anh Phạm Quốc Thái, cho biết: “Không tin nổi khi biết mức lương của anh Thái chỉ 2,8 triệu đồng/tháng”. "Đây là mức lương quá thấp bởi với một người bình thường nếu mới ra trường đi làm lương trung bình phải 6 - 7 triệu đồng/tháng. Còn sinh viên đi dạy thêm buổi tối cũng kiếm được 3 - 4 triệu đồng/tháng".

Đức Anh cho hay do bị điếc từ nhỏ, gặp khó khăn trong giao tiếp phải đi chữa bệnh và còn nợ môn tiếng Anh nên hiện vẫn chưa thể tốt nghiệp ĐH. Tuy nhiên, hiện mức lương hằng tháng của Đức Anh khi làm lập trình viên cho một công ty ở Q.10 khoảng 20,3 triệu đồng. “Tôi học sau anh Thái 2 năm. Khi tôi học năm nhất, anh Thái đã khá nổi tiếng trong trường vì học giỏi, đặc biệt là trình độ tiếng Anh xuất sắc, lại tâm huyết trong hoạt động phong trào tình nguyện. Tài năng của anh Thái là không thể phủ nhận, lại còn đi du học ở Mỹ về. Tôi thấy tiếc cho những người như anh Thái”, Đức Anh chia sẻ.

Anh Đặng Văn Hợi, học cùng ngành xây dựng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với anh Thái nhưng sau hai khóa, cũng rất cảm phục người anh đồng môn vì học giỏi nổi tiếng trong trường. Anh Hợi cho hay khi nghe tin anh Thái học thạc sĩ ở Mỹ về, đi làm và lãnh mức lương 2,8 triệu đồng/tháng thì “thực sự choáng” và sốc”. “Tôi mới ra trường hơn 1 năm, lương tháng chừng 17 triệu đồng, cũng đang kiếm học bổng du học. Nhưng nếu “đi như anh Thái” tôi sẽ không bao giờ lựa chọn”, anh Hợi thẳng thắn.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Tin liên quan