Mãi ghi nhớ người con trung hiếu của dân tộc

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa luật sư Nguyễn Hữu Thọ thăm một đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kể: Nguyễn Hữu Thọ được sinh ra trong một gia đình công chức trung lưu, tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An). Mùa hè năm 1921, Nguyễn Hữu Thọ một mình xuống tàu thủy, rời cảng Sài Gòn sang Pháp du học. Năm 1928, ông vào học tại Khoa luật Đại học Luật khoa và Văn khoa Aix en Provence miền Nam nước Pháp. Năm 1932, ông hoàn thành khóa học với tấm bằng cử nhân Luật loại xuất sắc. Đây là thời điểm đánh dấu bước trưởng thành của người trí thức yêu nước, về sau trở thành người cộng sản kiên trung, nhà cách mạng nổi tiếng của Đảng và dân tộc ta.

“Không chỉ quan tâm đến vấn đề lý luận, ông rất quan tâm và gần gũi với đời sống của người dân. Ông thường xuyên đi thăm các địa phương, về các cơ sở sản xuất để nắm tình hình, tìm hiểu đời sống, cách quản lý kinh tế, việc thực hiện pháp luật, tôn trọng quyền dân chủ của người dân”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Sau nhiều năm xa gia đình, xa Tổ quốc, tháng 5/1933, Nguyễn Hữu Thọ rời Pháp trở về quê hương. Sau 5 năm tập sự, ông vượt qua kỳ sát hạch của Luật sư đoàn và trở thành một luật sư thực thụ. Mới 30 tuổi nhưng Nguyễn Hữu Thọ đã trở thành luật sư danh tiếng và mở rất nhiều văn phòng luật sư riêng ở Vĩnh Long và Cần Thơ.

Biện hộ trước tòa cho đồng bào, đồng chí bị bắt

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ông trở thành một trí thức yêu nước ủng hộ mạnh mẽ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẵn sàng góp sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng nước Việt Nam mới. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia kháng chiến bằng nhiều hình thức: biện hộ trước tòa cho đồng bào, đồng chí bị bắt; ký tên vào bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn đòi Chính phủ Pháp thương thuyết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để sớm chấm dứt chiến tranh; tham gia Hội Liên Việt; biên soạn và xuất bản sách “Nam Bộ tự do”…

Tháng 2/1962, tại Đại hội lần thứ nhất của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, ông được giới thiệu giữ chức Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, ông Nguyễn Hữu Thọ không ngừng quan tâm chỉ đạo mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời chú trọng việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang…

Ngày 25/4/1976, Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất được tổ chức thành công rực rỡ trên phạm vi toàn quốc. Ông Nguyễn Hữu Thọ được giới thiệu ứng cử ở Sài Gòn và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VI với số phiếu rất cao. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI (tháng 6/1976), ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước phụ trách vấn đề luật pháp và đối ngoại của Nhà nước, từ tháng 4/1980 đến tháng 7/1981, ông giữ quyền Chủ tịch nước.

Một trong những đóng góp quan trọng của luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong giai đoạn này là ông đã cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh tổ chức xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Với uy tín và kiến thức luật học uyên bác của mình, ông cùng với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tham gia soạn thảo bản Hiến pháp sửa đổi và đã có những ý kiến sâu sắc và xác đáng trong các cuộc họp của Ban dự thảo Hiến pháp, góp phần vào sự hình thành bản Hiến pháp mới trình Quốc hội vào năm 1980. Đây là bản Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Gần gũi với đời sống nhân dân

Ngày 26/4/1981 diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thọ ứng cử tại quê nhà Long An và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VII. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Với vai trò Chủ tịch Quốc hội khóa VII và cũng là đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII, điều ông băn khoăn hơn cả là làm sao Quốc hội phải thực hiện trọng trách của một cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, khẳng định chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động giám sát đạt hiệu quả.

Thực hiện chức năng của Quốc hội, ông đã hướng trọng tâm vào việc thảo luận và quyết định những vấn đề lớn trọng yếu thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, quan trọng nhất là kế hoạch nhà nước, ngân sách nhà nước và các vấn đề nóng bỏng có liên quan đến quốc kế dân sinh, đến việc bảo đảm quyền làm chủ tập thể của người dân lao động. Ông cũng khuyến khích các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, chú ý thực hiện quyền chất vấn, thẳng thắn đóng góp ý kiến xây dựng đối với công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện pháp luật của Hội đồng Bộ trưởng.

Không chỉ quan tâm đến vấn đề lý luận, ông rất quan tâm và gần gũi với đời sống của người dân. Ông thường xuyên đi thăm các địa phương, về các cơ sở sản xuất để nắm tình hình, tìm hiểu đời sống, cách quản lý kinh tế, việc thực hiện pháp luật, tôn trọng quyền dân chủ của người dân. Những năm đầu đổi mới, nhằm xóa bỏ cơ chế bao cấp, ông đã chủ động đề nghị nên giao khoán sản phẩm cho người dân, giao quyền tự chủ cho họ, tạo điều kiện cho người lao động làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội và nâng cao đời sống bản thân, gia đình.

Tại Đại hội III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1988), ông được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên cương vị mới, ông đã dành thời gian đi các địa phương tìm hiểu thực trạng, tháo gỡ khó khăn của công tác Mặt trận với mong muốn Mặt trận phải thực sự là nơi hội tụ trí tuệ, sáng kiến của các tầng lớp nhân dân, là trung tâm tập hợp đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, tôn giáo, dân tộc… Nhờ đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ sau Đại hội III đã có sự khởi sắc, xác lập được rõ hơn vị thế của mình trong hệ thống chính trị.

Với tuổi đời 86 và hơn 50 năm hoạt động cách mạng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho dân tộc, thể hiện trên nhiều lĩnh vực, với những cương vị khác nhau, qua các thời kỳ lịch sử đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài học cao quý. Nhân dân ta và bạn bè trên thế giới sẽ mãi ghi nhớ người con trung hiếu của dân tộc Việt Nam, một nhà trí thức lớn yêu nước tiêu biểu, đã cống hiến trọn vẹn tài năng và kinh nghiệm của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.


Nguồn: Báo Tiền Phong

Tin liên quan