Trong số 441 cá nhân của 26 hội đồng ngành đề nghị công nhận chức danh phó giáo sư, giáo sư có 83 ứng viên được đề nghị công nhận chức danh giáo sư.
1 ứng viên GS không đủ điểm viết sách
Có 1 ứng viên được đề nghị công nhận giáo sư thuộc trường hợp đặc biệt ở hội đồng ngành Cơ học. Đó là PGS Phạm Đức Chính, hiện công tác tại Viện Cơ học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
Ông Chính được đề nghị xét theo Điều 21, Quyết định 37 là trường hợp đặc biệt. Lý do xét theo Điều 21 là ông Chính không đạt điều kiện tại Khoản 5, Điều 5 của Quyết định 37, cụ thể là chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo chỉ được 0,63 điểm.
Tuy nhiên, ông Chính đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 và có số lượng lớn bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín với tổng điểm công trình khoa học rất cao (207,16 điểm).
1 ứng viên GS từng bị trượt khó hiểu nay tiếp tục được đề nghị xét
Đó là trường hợp PGS Nguyễn Xuân Hùng, hiện công tác tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Ba năm trước (2016) hồ sơ xét GS của PGS Nguyễn Xuân Hùng đã được Hội đồng giáo sư cơ sở và Hội đồng ngành thông qua nhưng bị trượt ở Hội đồng chức danh GS nhà nước.
Nguyên nhân khiến PGS Nguyễn Xuân Hùng bị trượt chức danh GS năm 2016 do quy đổi điểm sách của ông chỉ được 2,6 điểm (điểm tối thiểu là 3). Sau khi bị trượt năm 2016, năm 2017, PGS Nguyễn Xuân Hùng không đăng ký xét chức danh GS.
Năm nay, ông Hùng có số điểm cao nhất trong 11 người ở Hội đồng ngành cơ học (không tính trường hợp đặc biệt). Cụ thể điểm công trình khoa học là 120,34; Điểm công trình khoa học 3 năm cuối là 43,21; Điểm viết sách phục vụ đào tạo là 3,2; Điểm nghiên cứu khoa học là 117,14.
Ứng viên GS trẻ nhất sinh năm 1981 (38 tuổi)
Có 3 ứng viên cùng ở mức tuổi này gồm: Nguyễn Khánh Diệu Hồng, sinh ngày 9/6/1981, liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm, công tác tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Sĩ Đức Quang 16/8/1981, ngành Toán học, công tác tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Phùng Văn Đồng, 22/10/1981, ngành Vật lý, công tác tại trường ĐH Phenikaa. Dù cùng tuổi nhưng nếu tính theo ngày sinh thì ứng viên Phùng Văn Đồng sẽ ít tuổi nhất.
Ứng viên PGS trẻ nhất sinh năm 1988 (31 tuổi)
Đó là Lý Kim Hà, sinh ngày 25/7/1988, ngành Toán học, công tác tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra, năm nay có nhiều ứng viên PGS sinh năm 1985 như Vũ Hoài Nam và Nguyễn Thị Phương, Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, ngành Cơ học; Phạm Quốc Cường, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ngành Công nghệ thông tin; Lê Phước Cường, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng…
Ứng viên GS cao tuổi nhất sinh năm 1944 (75 tuổi)
Đó là ứng viên Đỗ Văn Lưu sinh ngày 6/3/1944, ngành Toán học, công tác Trường ĐH Thăng Long.
Ứng viên PGS cao tuổi nhất 1957 (62 tuổi)
Có nhiều ứng viên ở độ tuổi này như: Nguyễn Hoàng, Viện địa chất, Viện hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam; Tạ Quang Sơn, ngành Toán học, Trường ĐH Sài Gòn; Phan Quốc Anh, Trường ĐH Trà Vinh; Đỗ Lệnh Hùng Tú, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn; Võ Thị Kim Thanh, Trường ĐH Trà Vinh…
Số ứng viên nữ chiếm chưa tới ¼
Trong 441 ứng viên được HĐ GS ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019 chỉ có 100 ứng viên là nữ (tỷ lệ 22,6).
Trong đó số ứng viên nữ được đề nghị xét công nhận giáo sư là 9 người chiếm 10,8% số ứng viên được đề nghị công nhận.
2 hội đồng ngành chưa công bố
Theo công bố của Hội đồng giáo sư Nhà nước, có 28 Hội đồng giáo sư ngành và liên ngành. Trước đó, Hội đồng giáo sư Nhà nước cũng đã công bố 28 thành viên là được bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023 (28 cá nhân này thông thường là chủ tịch Hội đồng GS ngành, liên ngành).
Tuy nhiên, đến nay có 2 Hội đồng GS ngành, liên ngành chưa công bố danh sách ứng viên là hội đồng giáo sư ngành Khoa học an ninh và Khoa học quân sự.
4 ngành không có ứng viên nào được đề nghị xét giáo sư
Trong 26 Hội đồng GS ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019, có 4 ngành không có ứng viên nào được đề nghị công nhận giáo sư. Đó là các ngành Giao thông Vận tải (15 ứng viên PGS), Giáo dục học (7 ứng viên PGS), Luật học (5 ứng viên PGS), Ngôn ngữ học (3 ứng viên PGS). Trong khi đó Vật Lý có số ứng viên được đề nghị công nhận GS nhiều nhất (11 ứng viên), tiếp đến là ngành Y học (10 ứng viên)