Những hi vọng mới về chống rửa tiền, tham nhũng từ Hội nghị FATF

Ảnh: TI

Thảo luận những vấn đề quan trọng

Ngày 16/2 vừa qua, hơn 800 đại biểu từ 205 quốc gia và khu vực tài phán trên toàn thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác đã đến tham dự tuần lễ FATF tại Paris, Pháp. Chương trình của 6 ngày họp sẽ tập trung vào hành động toàn cầu để giám sát dòng tiền được sử dụng để gây ra tội ác và khủng bố, nhằm giảm thiểu các tác hại của “tiền xấu”, “tiền bẩn” đối với con người và xã hội.

Tuần lễ FATF sẽ kết thúc với Hội nghị Toàn thể diễn ra từ ngày 19/2. Tại đó, các vấn đề quan trọng được thảo luận bao gồm:

• Đánh giá các giải pháp của Hàn Quốc và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất trong chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

• Tiến trình của Iran, Pakistan và các quốc gia khác đưa ra rủi ro đối với hệ thống tài chính.

• Sự tiến triển của sáng kiến FATF để chống lại dòng tài chính từ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

• Xuất bản một hướng dẫn về nhận dạng số.

• Những phát triển về tài chính của ISIL, Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố.

Khuyến nghị 24

Các thành viên của FATF sẽ ra quyết định về các đề xuất xem xét Khuyến nghị 24, tại đó yêu cầu các quốc gia bảo đảm rằng, các cơ quan có thẩm quyền có quyền truy cập thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác.

Cụ thể, các tổ chức xã hội dân sự như: Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness), Quyền sở hữu Mở (Open Ownership), Mạng lưới Công bằng Thuế (The Tax Justice Network) và Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) kêu gọi các đại biểu ủng hộ các đề xuất liên quan đến Khuyến nghị 24 về sự công khai, minh bạch và định dạng dữ liệu mở với ủy quyền thẩm tra, xác minh, sổ đăng ký trung tâm của thông tin về quyền thụ hưởng.

Theo TI, định dạng dữ liệu mở sẽ cho phép phương tiện truyền thông, xã hội dân sự truy cập và phân tích, từ đó mà chất lượng dữ liệu được cải thiện. Sổ đăng ký mở cũng tạo điều kiện cho sự phát triển các công cụ và kỹ thuật điều tra, qua đó, có thể giúp cải thiện việc thực thi các quy định chống rửa tiền. Hơn nữa, sổ đăng ký mở cũng tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế và có thể liên kết với các cơ sở dữ liệu công khác.

Luanda Leaks là một trong những nghiên cứu mới đây nhất đã chỉ ra rằng, mạng lưới tham nhũng sẽ tìm kiếm và lợi dụng các khu vực pháp lý đang tồn tại những lỗ hổng trong chức năng pháp luật về chống rửa tiền toàn cầu. Trong khi đó, FATF là tổ chức duy nhất có quyền tài phán toàn cầu đối với việc trừng phạt các quốc gia cung cấp nơi ẩn náu để tội phạm và kẻ tham nhũng có thể che giấu, rửa sạch số tiền thu được từ tội ác của chúng.

Một nghiên cứu của TI năm 2019 cho thấy, trong số 83 quốc gia được đánh giá bởi FATF từ 2014, chỉ có 1 quốc gia đã tuân thủ đầy đủ Khuyến nghị 24. Không có quốc gia nào được xem là “có hiệu quả cao” trong thực thi điều này.

Theo TI, Khuyến nghị 24 phải trở thành một tiêu chuẩn mạnh mẽ và hiệu quả để bảo đảm rằng cơ quan thực thi pháp luật có thể tìm ra ai là người sở hữu và ai là người cuối cùng được hưởng lợi từ các công ty bị nghi ngờ rửa tiền và vi phạm các tội phạm tài chính khác. Các báo cáo cấp quốc gia của FATF cho thấy rõ rằng, thiết lập các sổ đăng ký trung tâm của thông tin về quyền thụ hưởng là biện pháp hiệu quả nhất để có được thông tin về lĩnh vực này.

Bởi vậy, việc không tiến hành những đánh giá cần thiết về Khuyến nghị sẽ đi ngược lại các cam kết của những thành viên FATF tại các diễn đàn khác như G20, G7 và các nền tảng toàn cầu như Đối tác Chính phủ Mở (Open Government Partnership).

Cuối năm 2013, FATF đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “đen” thuộc các nước thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố. Đây được đánh giá là thành công lớn của Việt Nam, nhờ vào những kết quả tích cực: Từ khuôn khổ pháp lý, tăng cường năng lực cho các thể chế tham gia đấu tranh phòng chống rửa tiền cho đến thu thập, phân tích và chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố. Trong đó, nổi bật là việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18/6/2012 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013), đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng chống rửa tiền ở Việt Nam, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.


Nguồn: Báo Thanh Tra

Tin liên quan