Quanh vụ bắt cựu Chủ tịch TP Hạ Long: Hé lộ những góc khuất

Vừa 'hạ cánh' chưa được 2 năm, cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) Phạm Hồng Hà ( sinh năm 1960) bất ngờ bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ'.

Giàu cỡ nào?

Xuất thân từ dân xây dựng, ông Hà từng kinh qua nhiều vị trí để lên đến chức Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long. Tháng 6/2014, ông Phạm Hồng Hà chính thức được bầu làm Chủ tịch UBND TP Hạ Long và cũng từ đây, ông kiêm luôn chức Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long.

Ông Phạm Hồng Hà được biết đến là một vị chủ tịch thành phố quyết đoán, ăn to nói lớn và luôn tạo cho mình một hình ảnh lạnh lùng, khó gần. Trong quãng thời gian ông tại vị, TP Hạ Long đã có nhiều đổi thay, nhiều công trình gắn liền với tên tuổi của ông như Dự án hỗn hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở phường Bạch Đằng, đường bao biển đẹp nhất Việt Nam, đường quốc lộ 10 làn, cột đồng hồ và hàng loạt công trình mở rộng đường sá...

Xét về công trạng, người dân Hạ Long vẫn coi ông Hà là một người dám nghĩ, dám làm và là người “ăn được, nói được, làm được”. Thời kỳ của ông làm Chủ tịch, lãnh đạo thành phố từ các Trưởng, Phó Ban trở lên đều nhất tâm đồng thuận và uy quyền của ông luôn được đặt lên trên hết.

Vừa “ hạ cánh” chưa đầy 2 năm, ông Phạm Hồng Hà bị khởi tố hình sự. Nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết tin ông được cho là bị bắt bởi những sai phạm liên quan đến vị trí Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long chứ không phải ở cương vị Chủ tịch UBND thành phố.

Căn nhà số 338, đường bao biển Trần Quốc Nghiễn của ông Phạm Hồng Hà tọa lạc ở vị trí đẹp nhất thành phố. Trước mặt là di sản vịnh Hạ Long, bên phải là quảng trường thành phố, cung cá heo, bảo tàng, thư viện. Bên trái là công viên đi bộ, bãi tắm Hòn Gai...

Theo giới chuyên gia đầu tư bất động sản nhận định, chỉ tính riêng tiền đất, căn nhà của ông Hà đã có giá trên 140 tỷ đồng vào thời điểm hiện tại (đất tại khu vực trên có giá 350 triệu đồng/1m2, nhân với tổng diện tích trên dưới 400m2). Chưa tính đến giá trị của hệ thống cây cảnh có giá lên đến vài chục tỷ đồng và những vật phẩm đắt tiền được trưng bày bên trong ngôi nhà.

Lực lượng chức năng khám xét nhà ông Phạm Hồng Hà tại căn biệt thự tại số 338, đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, TP Hạ Long. Ảnh: TTXVN

“Chỉ cần điểm sơ qua mấy cây tùng bon sai được đặt trước nhà ông Hà, giới chơi cây cảnh phải ngả nón cúi chào bởi giá trị khủng của nó. Tính thêm hàng loạt cây quý hiếm được trưng bày từ ngoài cổng đến các lối đi và ban công các tầng thì giá trị cũng ngang với số tiền xây căn biệt thự”, ông N. T. N. một người có kinh nghiệm chơi cây cảnh ở TP Hạ Long nhận định.

Hàng trăm người dân hiếu kỳ chen nhau xem cảnh cựu chủ tịch thành phố bị bắt

Ngoài nhà to, cây khủng, lực lượng chức năng tạm niêm phong, thu giữ 4 chiếc xe hạng sang tại nhà ông Phạm Hồng Hà gồm: 1 xe Lexus 570, 1 xe Lexus ES 350, 1 xe Vinfast Lux SA và 1 xe Mercedes E300. Tất cả 4 chiếc xe trên có tổng giá trị gần 20 tỷ đồng.

Điều đặc biệt, theo cơ quan đăng kiểm, 3 trong số 4 xế hộp hạng sang mà Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tạm giữ khi thực hiện lệnh khám xét căn biệt thự của cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà đều đứng tên công ty và cá nhân khác. Chỉ duy nhất chiếc xe có giá trị rẻ nhất là chiếc VinFast Lux SA2.0 bản cao cấp, BKS: 14A - 562.88, có giá khoảng 1,8 tỷ đồng là mang tên ông Phạm Hồng Hà với địa chỉ “Tổ 3, khu 8, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh”.

Vịnh Hạ Long, nguồn thu béo bở?

Với cương vị là Chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm luôn chức Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long, ông Hà nắm hết quyền lực trong tay đối với vịnh Hạ Long. Người giám sát là ông, người thực thi cũng chính là ông nên trong khoảng 2 năm đầu từ 2014 -2016, vịnh Hạ Long dần được chỉnh đốn và đi vào khuôn khổ do chính ông đặt ra.

Ngoài biệt thự, cây khủng, xe sang, ông Hà thường xuyên sử dụng những trang sức hàng hiệu đắt tiền.

Nạn “chặt chém” bắt đầu giảm dần, nạn buôn bán hàng rong trên vịnh gây mất an toàn giao thông cũng được ông dẹp bỏ với hàng loạt biện pháp mạnh như tịch thu phương tiện, thậm chí tiêu hủy luôn phương tiện nếu người vi phạm nhiều lần tái phạm. Chất lượng các đội tàu cũng được cải thiện dần, nhất là mức độ an toàn khi chở khách tham quan. Ở thời của ông, tai nạn tàu du lịch được giảm rõ rệt.

Nhưng thay vào đó, ông cho chủ trương đầu tư hàng loạt các công trình, dịch vụ trên vịnh khiến di sản vịnh Hạ Long phải oằn mình gánh những áp lực không đáng có. Mỗi năm, nguồn thu từ vịnh Hạ Long thường được giữ lại một phần để xây dựng các công trình cơ bản của thành phố cũng như vịnh. Dựa vào việc này, ông Hà liên tiếp vẽ ra những hạng mục tu sửa, xây mới lên đến hàng chục tỷ đồng.

Cũng không ít phóng viên tò mò về cuộc sống hoành tráng, xa hoa của chủ tịch TP Hạ Long nên thường chụp ảnh nhà, xe của ông Hà. Chiếc đồng hồ và chiếc nhẫn kim cương ông đeo trên tay cùng chiếc điện thoại di động được đồn đoán đúc bằng vàng cũng được định giá suýt soát 10 tỷ đồng.

Năm 2016, báo Tiền Phong có loạt bài “Biến hang động di sản thành nhà hàng” phản ánh việc Ban Quản lý vịnh Hạ Long mặc dù biết việc một số doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, tiệc tùng trong hang động vùng lõi của di sản vịnh Hạ Long đã gần chục năm nhưng không có biện pháp ngăn chặn. Sau khi sự việc được phản ánh, ông Phạm Hồng Hà với cương vị là Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long còn đề xuất với UBND tỉnh cho các doanh nghiệp kinh doanh thêm vài tháng vì đã “lỡ” ký hợp đồng với khách.

Cũng trong suốt thời kỳ ông Hà làm Trưởng Ban, vịnh Hạ Long luôn là điểm nóng của dư luận. Hết việc xả thải trên bờ lại đến việc rác ngập trên vịnh Hạ Long và đặc biệt là vấn nạn bê tông hóa vịnh di sản. Bất chấp là vùng lõi hay vùng đệm, ông Hà đều đề xuất xây dựng bằng bê tông, thậm chí lấn luôn cả vịnh.

Đến năm 2019, Tiền Phong tiếp tục có loạt bài “Ai đang bê tông hóa vịnh Hạ Long?” phản ánh tình trạng hàng nghìn khối bê tông được đổ xuống vùng lõi của di sản vịnh Hạ Long, nhiều công trình trái phép được mọc lên tại các đảo nhưng phía Ban quản lý vịnh vẫn làm ngơ, chỉ phạt bằng biên bản nhưng không hề có hình thức xử lý.

Sau 6 năm liên tiếp làm Chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long, tháng 9/2020, ông Hà nghỉ hưu theo quy định. Đến ngày 14/5, VKSND tỉnh Quảng Ninh phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Phạm Hồng Hà - nguyên Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long, nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) - để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. 

Nguồn: https://tienphong.vn/quanh-vu-bat-cuu-chu-tich-tp-ha-long-he-lo-nhung-goc-khuat-post1439161.tpo

Tin liên quan