Thổi vào máy đo nồng độ cồn 5-6 lần rồi... bỏ

“Đến ngày 25-6, người vi phạm giao thông tại giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo đêm 28-5 vẫn chưa đến gặp CSGT để phối hợp xử lý” - một đại diện Phòng PC08, Công an TP.HCM cho biết.

Thổi 5-6 lần vẫn… không thấy gì?

Tối 28-5, tại giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo, Đội CSGT Bến Thành (Phòng PC08, Công an TP.HCM) đã gặp một trường hợp thanh niên có dấu hiệu đã sử dụng rượu bia, thổi 5-6 lần vẫn không ra… nồng độ cồn.

Theo đó, khi CSGT phát hiện hai thanh niên đi xe máy Wave màu xanh có biểu hiện đã sử dụng rượu bia nên đã yêu cầu tấp xe vào lề để kiểm tra nồng độ cồn.

Vừa dừng xe, thanh niên lái xe nói: “Nói thật là tôi đã uống rồi. Xe tôi không có giấy tờ”. Khi CSGT yêu cầu thổi nồng độ cồn thì anh này phản ứng, nói mình là lao động nghèo, đi làm xong thì ghé uống vài chai. Lý lẽ anh đưa ra là mình không vi phạm giao thông mà lại bị CSGT bắt ép thổi phạt.

Mất một lúc lâu thuyết phục, anh này mới chịu cầm máy đo nồng độ cồn, giả bộ thổi mạnh nhưng không để hơi vào ống. Cứ vậy, dù thổi đến 5-6 lần vẫn không hiện chỉ số cồn.

Cuối cùng, CSGT đã yêu cầu công an phường ra làm chứng để lập biên bản vì người thanh niên không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT và tạm giữ xe máy của anh này.

Đến nay đã quá bảy ngày tạm giữ xe mà người vi phạm vẫn chưa đến làm việc trong khi thanh niên này không khai tên tuổi, cũng không xuất trình giấy tờ xe. Do đó CSGT sẽ làm công tác xác minh phương tiện, gửi giấy về địa phương mời chủ xe đến; sau đó thông qua chủ xe để tìm ra người vi phạm. Nếu quá thời gian xử lý mà người vi phạm vẫn không đến nhận xe, nộp phạt thì CSGT sẽ làm thủ tục thanh lý xe.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người say xỉn thường bất hợp tác với CSGTkhiến CSGT TP.HCM “toát mồ hôi hột” vì vừa mất thời gian, vừa mất sức để đối phó.

Sau khi tranh cãi với CSGT tại giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo, TP.HCM, người thanh niên này bỏ xe ra về và đến nay không thèm đến nhận lại. (Ảnh cắt từ clip)

CSGT mềm dẻo nhưng kiên quyết với “ma men”

Vị đại diện Phòng PC08 cho biết trong quá trình xử lý những tài xế có biểu hiện sử dụng rượu bia, CSGT đã gặp nhiều trường hợp chống đối, thậm chí xúc phạm CSGT, không chịu để CSGT đo nồng độ cồn.

Đối với các trường hợp người vi phạm nồng độ cồn không chấp hành yêu cầu của CSGT thì CSGT đều có biện pháp nghiệp vụ để buộc người đó thổi vào máy đo nồng độ cồn. Song song đó, CSGT sẽ hướng dẫn chi tiết cách thổi, thậm chí CSGT cũng tự thổi làm mẫu cho người vi phạm.

Riêng trường hợp người vi phạm bỏ xe, không chịu đo nồng độ cồn thì CSGT vẫn lập biên bản xử lý vi phạm, tạm giữ xe dưới sự chứng kiến của công an phường, người dân.

“Các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT thì sẽ bị áp dụng mức phạt cao nhất để răn đe (thay vì mức phạt trung bình như các trường hợp khác - PV)” - vị đại diện Phòng PC08 nhấn mạnh.

Theo vị đại diện Phòng PC08, CSGT TP.HCM thường xuyên gặp cảnh những “ma men cù nhây”. Vì vậy, CSGT luôn trang bị máy quay ghi hình lại sự việc nhằm có thông tin khách quan nhất. Những ai có hành vi chống đối thì CSGT sẽ phối hợp với công an địa phương để xử lý.

“Toàn bộ CSGT của Phòng PC08C đều đã được tập huấn, trang bị cách ứng xử với người vi phạm nồng độ cồn. Trong quá trình làm việc, nếu người dân phản ứng với cách xử lý của CSGT thì CSGT phải giữ bình tĩnh, xử lý mềm dẻo nhưng kiên quyết, đấu tranh” - vị này khẳng định.

Muôn kiểu “nhây” của “ma men”

Đội trưởng một đội CSGT trên địa bàn TP.HCM kể khi kiểm tra nồng độ cồn của "ma men", nhiều người cứ ngậm ống thổi mà không chịu thổi. Thấy máy đo không hiện thông số liền lớn tiếng: “Thấy chưa, tôi có xỉn đâu mà đòi thổi”. Tiếp tục giải thích, nhắc nhở người vi phạm phải thổi mạnh vào ống thở thì người này chỉ phù hai má lên cho giống thổi nhưng thực tế không phải, rồi nói: “Tôi thổi rồi đó”.

Ban đầu có người hợp tác thổi vào ống nhưng khi thấy mình vi phạm thì lập tức phản pháo: “Tôi uống có hai, ba chai thì sao mà xỉn được. Tôi chưa có xỉn. Máy đo sai rồi”, rồi quay qua hỏi: “Máy này là máy thật hay máy giả? Có được kiểm định chưa? Đưa tôi xem tem kiểm định, giấy tờ kiểm định đi”. Thậm chí họ còn thách thức: “Anh CSGT, anh thổi đi, anh cũng xỉn rồi đó. Thổi xem máy đo đúng không”. Có trường hợp người vi phạm còn bắt CSGT đưa mình đi thử máu để kiểm tra nồng độ cồn vì cho rằng máy đo là không chính xác.

Các CSGT TP.HCM cho biết nhiều trường hợp "ma men cù nhây" hết cả buổi với CSGT vì cứ ngồi cãi nhây, có người còn… tiểu tiện, đại tiện trước mặt CSGT.

Không dừng lại ở chuyện cãi vã, chửi bới…, nhiều "ma men" còn cả gan lao thẳng xe vào người CSGT khi CSGT đang ra hiệu dừng xe kiểm tra.


Nguồn: Báo PLO

Tin liên quan