Tuyển sinh đại học 2021: Thí sinh có nhiều lựa chọn

Thí sinh năm nay có nhiều cơ hội vào đại học với nhiều phương thức xét tuyển.

Tăng chỉ tiêu, nhiều phương thức xét tuyển

Bên cạnh việc xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, nhiều trường đại học (ĐH) bổ sung phương thức tuyển sinh mới và có thêm chỉ tiêu. ĐH Luật Hà Nội tuyển 1.410 chỉ tiêu cho năm học 2021-2022, trong đó 1.280 chỉ tiêu đào tạo tại trụ sở chính, 130 chỉ tiêu tại phân hiệu Đắk Lắk. Trường tuyển thẳng theo quy định của Bộ.

Bên cạnh đó, trường xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường: xét tuyển thí sinh tham dự vòng thi tháng/quý/năm của chương trình Đường lên đỉnh Olympia kết hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. ĐH Luật Hà Nội cũng xét tuyển học sinh trường THPT chuyên/năng khiếu, học sinh có học lực giỏi. Và trường xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Năm nay, Đại học Ngoại thương tuyển sinh theo 6 phương thức. Đặc biệt, trường dành 50% tổng chỉ tiêu để tuyển sinh theo phương thức riêng.

Sáu phương thức tuyển sinh của trường bao gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT; xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh thi học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố và hệ chuyên của trường THPT chuyên; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi THPT; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định riêng của trường; xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Ngoài ra, Đại học Ngoại thương tuyển sinh 2 chương trình đào tạo mới là Luật Kinh doanh Quốc tế và Tiếng Anh thương mại. Dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6, nhà trường sẽ mở hệ thống cho thí sinh đăng ký xét tuyển. Thí sinh được phép tham gia xét tuyển cả 5 phương thức nếu đạt đủ các điều kiện.

Dự kiến trong năm 2021, Đại học Bách Khoa Hà Nội tuyển sinh hơn 7.000 chỉ tiêu bằng 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng theo hồ sơ năng khiếu (10-20% tổng chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (50-60% tổng chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (30-40% tổng chỉ tiêu). Thí sinh có thể chọn một hoặc đồng thời cả 3 hình thức xét tuyển nếu đạt đủ điều kiện.

Với phương thức tuyển sinh theo kỳ thi riêng do nhà trường tổ chức, dự kiến ngoài bài thi đánh giá tư duy trên cơ sở đọc hiểu và môn Toán có phần tự luận như năm 2020, trường sẽ bổ sung tổ hợp môn Khoa học tự nhiên để thí sinh có thêm lựa chọn. Qua đó, thí sinh có thể chọn thêm môn thi để theo học các ngành kỹ thuật khác.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tuyển sinh 6.000 chỉ tiêu, tăng 200 so với năm 2020. Trường tuyển sinh theo ba phương thức gồm: Tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT (lấy 1-5% chỉ tiêu), dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 (50%), xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (45-50%).

Trong phương thức xét tuyển theo đề án riêng, Trường ĐH Kinh tế quốc dân chia thí sinh thành năm nhóm, mỗi nhóm có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận hồ sơ riêng. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường dự kiến là 18 điểm gồm điểm ưu tiên, xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Điểm trúng tuyển xác định theo mã ngành, chương trình; không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển. Trường không áp dụng thêm tiêu chí phụ trong xét tuyển.

Kỳ thi đánh giá năng lực - không học tủ, học vẹt

Như vậy, với sự đa dạng về phương thức và tăng chỉ tiêu tuyển sinh, thí sinh năm nay sẽ có nhiều cơ hội vào ĐH. Tuy nhiên, dù lựa chọn phương án xét tuyển nào, các chuyên gia đều lưu ý thí sinh nên bám sát đề án tuyển sinh của nhà trường bởi mỗi trường lại có yêu cầu riêng về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Ngay trong cùng một trường, một ngành, điều kiện xét tuyển cũng khác nhau đối với các phương thức xét tuyển khác nhau nên thí sinh không thỏa mãn điều kiện này nhưng có thể vẫn còn cơ hội ở phương án xét tuyển khác.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó Trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chia sẻ, ngày 14/03/2021, Trung tâm Khảo thí đã công bố đề thi tham khảo trên giấy. Phiên bản mới phần mềm làm bài thi tham khảo trực tuyến và sẽ triển khai để thí sinh làm bài trước ngày 24/3/2021 tại cổng thông tin khaothi.vnu.edu.vn. Thí sinh sẽ làm bài tham khảo trên máy tính, điện thoại thông minh… có kết nối internet.

Bài thi gồm 3 phần: Định lượng (75 phút), Định tính (60 phút), Khoa học (60 phút). Trước khi bắt đầu mỗi phần, thí sinh hãy đọc cẩn thận hướng dẫn trả lời. Thông thường thí sinh hay có một chút bối rối ở phần định tính. Với phần thi này, các câu hỏi thuộc lĩnh vực văn học, ngôn ngữ nên hãy đọc và xem xét tất cả các câu trả lời, vận dụng kiến thức, kỹ năng và tư duy theo hướng chọn đáp án cảm thấy phù hợp nhất với câu hỏi.

Ngược lại, các câu hỏi về toán học và khoa học tự nhiên thì phải tìm câu trả lời chính xác. Thí sinh có thể làm nháp và lựa chọn đáp án mà cảm thấy đúng nhất. Nếu không tìm thấy đáp án như tính toán, hãy đọc lại câu hỏi và xem xét lại tất cả các đáp án.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh, với mỗi phần, hãy tiết kiệm thời gian đọc hướng dẫn bằng cách làm bài thi tham khảo, sau đó học sinh có thể phân chia thời gian làm bài của từng phần theo số câu hỏi của phần đó để biết thời gian cần thiết phải hoàn thành tất cả các câu hỏi.

Nếu có thể, hãy tiết kiệm thời gian của từng câu hỏi để kịp xem lại toàn bộ các câu hỏi trong một phần, làm lại các câu hỏi thí sinh cảm thấy khó trong phần đó trước khi chuyển sang phần kế tiếp. Thí sinh cũng lưu ý là đề thi không sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó mà bố cục theo lĩnh vực có tính liên ngành, một số câu hỏi tích hợp các ngành.

Đặc biệt, điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Vì thế thí sinh hãy cố gắng trả lời đủ tất cả các câu hỏi trong khoảng thời gian cho phép của từng phần. Nếu còn thời gian sau khi đã hoàn thành 1 phần, đừng vội chuyển sang hợp phần tiếp theo mà hãy kiểm tra lại các câu trả lời mà thí sinh chưa thật sự chắc chắn trong phần đó. Thí sinh sẽ không thể quay lại phần thi trước để sửa câu trả lời sau khi thời gian làm bài của phần thi đã hết.

Bài thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông của ĐH Quốc gia Hà Nội nhằm đánh giá kiểm tra kiến thức, kỹ năng của học sinh tích lũy trong quá trình học tập. Các câu hỏi được xây dựng từ cơ bản đến nâng cao, có câu hỏi vận dụng ở mức độ trung bình đến khó. Do đó, học lệch hay học tủ, thậm chí “học gạo” không phải là cách tốt nhất để đạt điểm thi cao.

Cách thức đơn giản nhất là thí sinh hãy dành thời gian làm bài thi tham khảo trước ngày đăng ký dự thi. Việc làm thử đề thi tham khảo giúp thí sinh quen cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi, tìm hiểu thêm các lĩnh vực chưa nắm rõ. Đồng thời, tính toán thời gian cho mỗi câu hỏi và kiểm soát tiến trình làm bài để lựa chọn đáp án thích hợp nhất.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết thêm, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN tổ chức nhiều đợt thi trong năm nên thí sinh có thể chọn ngày thi, ca thi tại www.khaothi.vnu.edu.vn (từ ngày 1/4/2021).

Nguồn Pháp Luật VN

Tin liên quan