Chuyện gì đang xảy ra với nhạc Việt?
Trào lưu TikTok khiến nhiều ca sĩ sẵn sàng bước khỏi ranh giới được định sẵn của thị trường nhạc Việt để chạy theo xu thế. Đây là vấn đề đáng lo ngại.
Một bản nhạc trên TikTok có thể “viral” theo tốc độ chóng mặt, nhưng sự nổi tiếng dễ dãi cũng đi kèm nhiều hệ quả đang tác động xấu đến sự phát triển của thị trường.
Vinahouse và vấn nạn âm nhạc trên TikTok
Chạy về khóc với anh - ca khúc của Erik, do Nguyễn Phúc Thiện sáng tác - là một trong những ca khúc lan tỏa mạnh trên thị trường từ đầu năm 2022. Bản gốc Chạy về khóc với anh là chất Pop, hơi hướm màu sắc âm nhạc Trung Quốc. Đây là sản phẩm nặng yếu tố quảng cáo nên không gây bùng nổ trong giai đoạn đầu ra mắt. Dù vậy, TikTok khiến ca khúc quay ngược 360 độ.
Hiện tượng Chạy về khóc với anh nổi lên từ một đoạn nhạc remix theo phong cách Vinahouse, kết hợp cùng những video cover vũ đạo. Sau đó, dân mạng kết hợp một câu nói viral vào bản remix Chạy về khóc với anh và tiếp tục gây sốt. Từ một sản phẩm chẳng có gì đặc biệt, thậm chí vướng nghi vấn đạo nhái, Chạy về khóc với anh bỗng trở thành hit, hút hàng chục triệu view nhờ TikTok.
Vài tháng qua, bản remix Chạy về khóc với anh giúp Erik chạy show liên tục. Anh chỉ hát live trên nền nhạc remix, do đó bản gốc bị lãng quên.
Erik và Thiều Bảo Trâm phát hành sản phẩm Pop, Ballad, nhưng đi diễn bằng beat Vinahouse.
Câu chuyện của Erik và Chạy về khóc với anh là ví dụ cho chuyện thị trường nhạc Việt đang thay đổi nhiều phần vì TikTok.
Một tháng trước, Sau lưng anh có ai kìa của Thiều Bảo Trâm chiếm ngôi đầu top thịnh hành âm nhạc trong nhiều tuần. Đây là ca khúc Ballad thuần túy, kể về câu chuyện tình yêu tan vỡ của cô gái. Tuy nhiên, để bắt kịp xu thế, Thiều Bảo Trâm phải chuẩn bị thêm bản remix theo phong cách Vinahouse. Một tháng qua, những video Thiều Bảo Trâm hát live Sau lưng anh có ai kìa, xuất hiện trên các nền tảng chủ yếu là bản Vinahouse remix.
Chuyện gì đang xảy ra với nhạc Việt?
Trào lưu TikTok khiến nhiều ca sĩ sẵn sàng bước khỏi ranh giới được định sẵn của thị trường nhạc Việt để chạy theo xu thế. Trước đây, các ca sĩ Việt thường hoạt động theo công thức chung khi phát hành sản phẩm, gồm các bước: Ra mắt MV, quảng bá và đi diễn. Thành bại của một dự án được quyết định ở chỗ ca khúc có đủ sức nặng để gây sốt trên các nền tảng nhạc số như Zing MP3, YouTube...
Còn hiện tại, nhiều ca sĩ như Erik, Thiều Bảo Trâm vẫn phát hành sản phẩm gốc là màu sắc âm nhạc quen thuộc. Họ tính thêm một bước ở chuyện phải remix ca khúc theo xu hướng TikTok, mà cụ thể là Vinahouse đã “làm mưa làm gió” ở nhóm khán giả trẻ hơn một năm qua.
Không chỉ một, hai ca sĩ, mà có rất nhiều, thậm chí cả các ca sĩ tên tuổi gạo cội bắt buộc chạy theo trào lưu remix nhạc. Chưa kể nhóm giọng ca, producer nổi lên từ những bản nhạc viral của TikTok, có thời lượng chỉ vài chục giây chèn vào các video ngắn. Dẫn đến hệ quả là nhiều sản phẩm âm nhạc đang dần kém chất lượng, có thể nhanh bắt tai nhưng giá trị âm nhạc đổ vào là cực thấp.
Vấn nạn âm nhạc TikTok phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn thị trường “đóng băng” vì dịch Covid-19 giai đoạn cuối năm 2019. Sau hơn một năm, hàng chục, đến cả trăm ca khúc, bản nhạc viral trên TikTok, nhưng chất lượng đếm trên đầu ngón tay. Những ca khúc về đám cưới, nhạc miền Tây, trộn Vinahouse “làm mưa làm gió”, nhưng đa phần rập khuôn, thiếu sáng tạo.
Từ TikTok, trào lưu "nhạc 15-30 giây" xuất hiện. Nghĩa là một đoạn nhạc 15-30 giây trong một ca khúc - có thể nằm ở drop, hoặc đoạn nhạc điểm nhấn nào đó - được chèn vào các video trên TikTok, sau đó lan tỏa.
Tuy nhiên, những “mầm mống” từ nhạc TikTok vẫn trên đà sinh sôi, thật sự là mối nguy hại cho nhạc Việt nếu nhóm ca sĩ, producer tiếp tục làm nhạc theo trào lưu và số đông khán giả bỏ quên giá trị thật sự của âm nhạc, điều mà thị trường từng có giai đoạn chuyển biến tích cực, nhưng 2 năm gần đây bắt đầu rẽ sang hướng tiêu cực.
Bản remix Hương giúp Văn Mai Hương viral trên TikTok. Đó là điển hình cho một sản phẩm "mì ăn liền" ở nền tảng này.
Một công thức, “cả làng vác mai đi đào”
Trong muôn kiểu nhạc viral TikTok, Vinahouse phổ biến nhất. Vinahouse là một lần của EDM (nhạc điện tử), với màu sắc chủ đạo là House, nhưng có biến tấu từ các producer, DJ Việt Nam. Các bản phối Vinahouse thường ở tempo (tốc độ ca khúc) từ 125 đến 140, do đó phù hợp cho những sàn diễn vũ trường, club, các buổi tiệc… Nhiều khán giả gọi Vinahouse đơn giản là nhạc “ăn chơi”.
Vinahouse là một trong hàng trăm thể loại của nhạc điện tử. Đây không phải dòng nhạc có chỗ đứng. Bản remix Hai phút hơn của KAIZ từng đưa một sản phẩm Vinahouse lan tỏa đến khán giả quốc tế, nhưng cơn sốt đó chỉ nhất thời. Còn ở giá trị cốt lõi, Vinahouse chỉ có đất trong đời sống âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là TikTok.
Vinahouse vẫn là dòng nhạc, có nét riêng và hướng tới đối tượng khán giả riêng. Từ một hiện tượng, TikTok lan tỏa mạnh mẽ nhờ Vinahouse. Ban đầu, Vinahouse là món ăn lạ trong tai nghe của nhiều khán giả trẻ, từ chất nhạc sôi động, đậm bass, thổi vào bài hát tinh thần hoàn toàn khác. Hương của Văn Mai Hương là ví dụ điển hình về việc nổi lên nhờ Vinahouse.
Dần dần, nhạc Vinahouse mọc lên như “nấm sau mưa”, sau thời gian ngắn đã phủ sóng TikTok. Những ca khúc Ballad, Pop, được phối sang Vinahouse để “chiều khán giả”. Bất kể nhạc vui, buồn, trên mọi chủ đề, cách nhanh nhất là phối lại theo Vinahouse để được lan tỏa.
Có 2 vấn nạn xảy ra từ chuyện Vinahouse nổi lên thành cơn sốt.
Đầu tiên, số lượng bản Vinahouse mix không đếm xuể, nhưng để sản xuất nhanh và bắt kịp xu hướng, đa phần sản phẩm kém chất lượng và rập khuôn. Có một loạt người sản xuất làm nhạc Vinahouse, nhưng công thức lặp đi lặp lại. Cụ thể là chỉ một khuôn nhạc rải từ đầu đến cuối, tập trung bassline ở trống và kick, nhưng không có sáng tạo.
Một producer của dòng nhạc điện tử nhận định cùng Zing về chuyện này: “Nhạc Vinahouse trên TikTok chủ yếu remix lại từ ca khúc gốc. Nhiều người làm nhạc xem Vinahouse là con đường ngắn nhất để được biết tới, nên cùng ‘vác mai đi đào’. Nhưng đáng buồn là quá nhiều bản Vinahouse đang trùng lập về ý tưởng, cách chạy bassline. Khác biệt có chăng chỉ là giai điệu từng bài khác nhau ở vocal, nhưng lắp vào nhạc Vinahouse là bản một màu từ đầu đến cuối, không cao trào và không điểm nhấn”.
Nhiều producer trẻ, hoặc DJ nhạc sàn lấn sân sang mảng phối khí bỗng nổi tiếng, sở hữu những bản nhạc Vinahouse hút hàng triệu, đến hàng chục triệu view. Để rồi một bộ phận khán giả tung hô, gọi đó xu hướng âm nhạc mới. Đó là bất công cho những producer có chuyên môn và tâm huyết để hòa vào dòng chảy chung của âm nhạc quốc tế.
“Vinahouse không có gì xấu cả, chỉ là nhiều người đang bấu víu vào và khiến nó mất giá trị. Thực tế, Vinahouse phù hợp khi nghe ở tâm trạng riêng, tại bầu không khí riêng. Còn trong đời sống chung của âm nhạc, Vinahouse không phải là thể loại để tạo nên chiều sâu. Do đó, sẽ nguy hiểm nếu cả thị trường Việt Nam chạy theo xu thế đó”, producer trong cuộc trò chuyện với Zing bày tỏ.
TikTok mở ra giai đoạn mới cho nhạc Việt. Tốc độ lan tỏa của TikTok được ví như "cấp số nhân". Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều cái tên tận dụng TikTok để làm nhạc, hoạt động theo cách vô tội vạ, dẫn đến thị trường xáo trộn và dần ngoài tầm kiểm soát vì các trào lưu, xu thế đang thay đổi quá nhanh.
TikTok giúp âm nhạc lan tỏa nhanh, nhưng đang là mối nguy cho thị trường.
Nguồn: zingnews.vn