Hiện thực hóa giấc mơ điện ảnh của những nhà làm phim độc lập: Hãy bắt đầu từ phim ngắn!

Sau hơn 2 tuần công chiếu, bộ phim “Thưa mẹ con đi” (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) nhận được nhiều ngợi khen của khán giả khi bộ phim đạt tính thương mại và nghệ thuật. “Thưa mẹ con đi” kể câu chuyện về Văn (Lãnh Thanh), một chàng thanh niên 28 tuổi trở về Việt Nam sau nhiều năm sống tại Mỹ. Sự trở về của Văn khiến cả gia đình bất ngờ đặc biệt người mẹ của anh, ngạc nhiên khi lần trở về này, Văn không hề về một mình mà còn đồng hành với chàng Việt kiều Ian (Gia Huy) mới 20 tuổi. Cuộc sống ở Việt Nam của hai chàng trai trải qua đủ hỉ-nộ-ái-ố. Đó còn là sự chấp nhận và thấu hiểu cho mối tình đồng giới của người mẹ (Hồng Đào)… Có cốt truyện giản dị cùng với với diễn xuất tròn vai của các diễn viên Hồng Đào, Lãnh Thanh, Gia Huy, bộ phim chạm được vào những lát cắt rất đời, với sự thấu cảm và khoảnh khắc vô cùng xúc động. “Thưa mẹ con đi” mang lại cho người xem một câu chuyện vừa đủ tình và nghĩa, cả sự day dứt nơi khán giả. Có nhiều người không ngại so sánh với “Song Lang” (đạo diễn Leon Lê).

Tại LHP quốc tế Busan năm 2019, bên cạnh “Thưa mẹ con đi”, thì các dự án phim điện ảnh khác như “Anh trai yêu quái” (Vũ Ngọc Phượng), “Bắc kim thang” (đạo diễn Trần Hữu Tấn) và “Bí mật của gió” (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) sẽ trình chiếu ở hạng mục Cửa sổ điện ảnh châu Á. Cùng với đó, “Ròm” cũng nhận được thông tin sẽ tranh giải ở hạng mục New Current (Phim hay nhất) thuộc LHP quốc tế Busan năm nay.

5 phim Ròm, Thưa mẹ con đi, Anh trai yêu quái, Bắc kim thang và Bí mật của gió đồng loạt dự Liên hoan phim Busan, đánh dấu một năm khá rầm rộ của điện ảnh Việt tại sự kiện này.

Với 5 phim Việt đến LHP lớn nhất của châu Á này, giới chuyên môn đánh giá đây được coi là tín hiệu vui cho điện ảnh Việt Nam nói chung và điện ảnh độc lập nói riêng. Khi các dự án phim độc lập gần đây đã tạo được chỗ đứng của mình trong lòng khán giả quốc tế. Kể từ bộ phim “Nhắm mắt thấy mùa hè” (đạo diễn Nguyên Hà) đã tạo ra luồng sinh khí cho các phim độc lập. Để những người trẻ họ kỳ vọng con thuyền sẽ vượt sóng để vươn khơi xa…

Thế nhưng, để đi đường dài là một câu chuyện hoàn toàn khác. Thực tế, đối với những nhà làm phim trẻ, họ gặp khó khăn rất lớn về mặt sáng tạo, tìm nguồn kinh phí làm phim và cân bằng đời sống gia đình với cuộc chơi điện ảnh. Trong khi hiện nay, quỹ phát triển điện ảnh Việt Nam còn trên bản thảo, Hiệp hội Xúc tiến và quảng bá điện ảnh mới thành lập hồi tháng 7-2019, vậy nên, để đưa đứa con tinh thần ra mắt khán giả, những nhà làm phim độc lập đều “tự thân vận động”.

Nhà sản xuất Đức Ngụy từng gây tiếng vang “Tháng 5 để dành” cũng có xuất phát điểm từ dự án phim sitcom của VTC như: “Khi tôi đi học” 1,2 và “Bố ơi, con sai rồi”.Đến với “Tháng 5 để dành”, ê-kíp đã đánh đổi 3 năm với bao mồ hôi và nước mắt.Và sau nhiều bản quay, sau sự dấn thân và nỗ lực, sau tiểu thuyết “Ranh giới”từng tạo cơn sốt với khán giả, thế nhưng, con đường chạm đến trái tim khán giả qua phiên bản điện ảnh lại gian nan vô cùng. Đức Ngụy cũng thẳng thắn về những góc khuất của những nhà làm phim độc lập. Đó là những dự án phim độc lập thì bài toán kinh tế luôn là một bài toán khó. Vì nếu có tài trợ thì bộ phim sẽ không được truyền tải trọn vẹn những gì mình muốn đến khán giả vì kịch bản sẽ có nhiều sửa đổi. Vì vậy, ê-kíp “Tháng 5 để dành” đã xin kinh tế của gia đình, xin tài trợ của các bên hỗ trợ những đoàn làm phim trẻ mà không sửa kịch bản và thường là bỏ tiền túi ra tất cả các chi phí trong khâu tiền kỳ, hậu kỳ,… Bộ phim được đánh giá tích cực, tuy nhiên, việc chọn sai nhà phát hành đã khiến ê-kíp phim lúng túng khi ra rạp. Dù toàn bộ ê-kíp làm phim, nhà sản xuất và diễn viên thực hiện cinetour tại khắp các tỉnh thành trên khắp cả nước, song không mang lại hiệu ứng cho bộ phim.Đức Ngụy từng cho biết, bộ phim ra rạp hoàn toàn thất bại. Những suất chiếu “xấu” và ít ngày công diễn là nguyên do bộ phim không trụ vững tại rạp.

Dù chọn hướng phát hành phim ở thị trường trong nước hay việc phát hành phim tại các hội chợ phim quốc tế, đòi hỏi những người làm phim độc lập cần có kinh nghiệm và hơn cả là một bộ phim hay. Thành công của Phan Đăng Di với “Bi, đừng sợ”, Nguyễn Hoàng Điệp với “Đập cánh giữa không trung”, Nguyễn Phương Anh (tiếng Anh: Ash Mayfair) với “Vợ ba”,… là con số biết nói. Họ đã dám bước qua cánh cửa an toàn khi chọn những đề tài khó, pha trộn nhiều thể loại, cách làm phim khác biệt, độc lập mang dấu ấn cá nhân. Và thành công của những bộ phim dài đầu tay của những nhà làm phim độc lập, thì dấu ấn từ những bộ phim ngắn chính là tổ kén vững chãi lót ổ cho con đường dài trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ điện ảnh sau này.


Nguồn: Báo PL&XH

Tin liên quan