Học Bác để phục vụ dân tốt hơn

Trở thành nền nếp, thói quen

Trong 4 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW tại Hà Nội được cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 18-KH/TU ngày 1/9/2016 của Thành ủy Hà Nội để triển khai trong toàn Đảng bộ, gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII).

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW đã trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp. Mỗi năm toàn TP có hơn 10.000 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt được khen thưởng ở các cấp, ngành; có hàng nghìn tấm gương với cách làm hay, mô hình tốt tiêu biểu cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải

Những mô hình hay, cách làm hiệu quả ấy đã góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển toàn diện của TP. Điển hình như việc xác định tiêu chí, lấy sự hài lòng của người dân làm “thước đo” kết quả công việc của các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức tại Hà Nội.

Tại nhiều đơn vị đã triển khai các giải pháp cụ thể để thường xuyên lắng nghe ý kiến người dân, làm cơ sở đổi mới toàn diện phương thức cung cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Hoặc xây dựng mô hình “một cửa” hiện đại, gần dân trên tinh thần “năm rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), thái độ phục vụ thân thiện.

Như tại quận Nam Từ Liêm, đơn vị đầu tiên trong số 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đã triển khai sớm mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”, thực hiện sáng kiến gửi “Thư xin lỗi”, “Thư cảm ơn”, “Thư chúc mừng”. Quận cũng “đo” sự hài lòng của người dân bằng việc bố trí hòm thư góp ý, sổ ghi cảm tưởng tại bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính… Tất cả những ý tưởng này đều xuất phát từ tư duy làm sao để thay đổi thái độ của cán bộ, công chức; để phục vụ dân tốt hơn. Những việc làm đó tuy nhỏ, nhưng đã mang lại những thiện cảm cho người dân, rút ngắn khoảng cách giữa những người thực thi công vụ với người dân, DN.Tại quận Đống Đa, việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW được gắn với nhiệm vụ chính trị, đặc thù cơ quan, đơn vị, bằng nội dung thiết thực. Trong đó, Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy gương mẫu đi đầu thực hiện, chịu trách nhiệm cụ thể với từng lĩnh vực, địa bàn được phân công. Khi lĩnh vực nào có vướng mắc, khó khăn, sẽ trực tiếp cùng cơ sở tham gia giải quyết kịp thời. Nhờ đó, những vấn đề phát sinh đều kịp thời được giải quyết.

Xóa bỏ sự trì trệ

Có thể nói rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh tại Hà Nội ngoài những tiêu chí chung, còn chọn được những điểm nhấn riêng phù hợp tình hình. Trong đó, Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành phải đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, tác phong công tác, bảo đảm gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với Nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức. Trong đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền đối với việc giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm, hạn chế, yếu kém ở mỗi lĩnh vực, địa phương, đơn vị, củng cố niềm tin trong Nhân dân. Tinh thần này đã được lan tỏa mạnh mẽ thời gian qua bằng nhiều việc làm cụ thể.

Rõ nét nhất là việc thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, TP đã gương mẫu, đi đầu và thực hiện tinh giản, giảm bớt nhiều đầu mối. Nhiều việc mới, việc khó khác cũng được Hà Nội chủ động thực hiện, như một lĩnh vực nhạy cảm là đánh giá cán bộ, một quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đã được triển khai với những định lượng cụ thể, theo từng thang điểm. Qua đó, công tác đánh giá cán bộ đã đi vào thực chất hơn.

TP cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Tiêu biểu như việc ban hành hai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị và nơi công cộng; ban hành và triển khai hiệu quả nghị quyết và chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Đến nay, những vấn đề bức xúc, tồn đọng, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng… đã được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết, có chuyển biến rõ nét ngay từ cơ sở.

Để tiếp tục lan tỏa sâu rộng những giá trị cao đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn việc học tập, làm theo Bác với việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Đây là những cơ sở, nền tảng quan trọng để TP thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục phát triển kinh tế.


Nguồn: Báo Kinh Tế Đô Thị

Tin liên quan