Qua 3 thế hệ, phụ nữ Ả Rập có thay đổi số phận trên đất Mỹ?

Mở đầu cuốn sách Những người đàn bà của Etaf Rum là lời tự sự của người phụ nữ thiếu đi giọng nói. Cô sinh ra không phải đã là người câm, mà bởi vì là một phụ nữ Ả Rập được dạy phải im lặng và chỉ im lặng mới cứu rỗi được mình.

Cô không phải là nhân vật cụ thể. Cô là đại diện cho tất cả phụ nữ Ả Rập đã, đang sống dưới định kiến xã hội bất công và kìm hãm sự phát triển của phụ nữ.

Hình ảnh người phụ nữ vô thanh ấy xuất hiện xuyên suốt cuốn tiểu thuyết Những người đàn bà, kéo dài trong suốt ba thế hệ người Ả Rập tại Mỹ.

Cuốn sách Những người đàn bà của Etaf Rum. Ảnh: I love books.

Giấc mơ và khát vọng của 3 thế hệ

Fareeda là thế hệ đầu tiên đã thoát khỏi cuộc xung đột, chạy trốn đến nước Mỹ với mong muốn tránh khỏi cuộc sống ở trại tị nạn. Bà khởi đầu cuộc sống cực nhọc tại nơi đất khách với người chồng nghiện rượu, suốt ngày đánh đập vợ.

Đến khi con trai cả Adam của Fareeda bước vào tuổi trưởng thành, bà khăng khăng trở về Palestine để tìm con dâu vẫn còn giữ được phong tục của người Ả Rập, với hy vọng sớm có cháu trai nối dõi.

Isra mới 17 tuổi khi kết hôn với Adam, người đàn ông mà tất cả bà mẹ và con gái khác ghen tị, bởi Adam là người Mỹ và Isra sẽ được sang Mỹ. Với cuộc hôn nhân sắp đặt này, Isra hy vọng đất Mỹ tự do sẽ giúp tiếng nói của nữ giới được tôn trọng hơn.

Nhưng kể từ khi lấy chồng, cuộc sống của cô chỉ quẩn quanh xó bếp, hết nấu nướng rồi lại chăm con. Áp lực phải có con trai sau 4 lần sinh con gái khiến Isra mệt mỏi, chưa kể những trận đòn roi của Adam và sự đay nghiến của mẹ chồng.

Cô dần hiểu được câu nói của mẹ trước khi cô kết hôn: Dù ở Palestine hay Mỹ, phụ nữ sẽ mãi chịu cảnh cô đơn.

Deya là thế hệ thứ ba của gia đình, một cô gái Mỹ gốc Ả Rập được giáo dục đầy đủ nhưng chưa bao giờ được tự quyết cho cuộc đời mình. Sống ở Brooklyn suốt 18 năm, cô không biết bắt tàu điện ngầm, thậm chí còn không hiểu được nghĩa của vé khứ hồi là gì.

Deya cũng suýt nữa rơi vào bánh xe đổ của các thế hệ trước, nếu cô ấy không phát hiện bí mật kinh khủng của gia đình mình và số phận của người mẹ đáng thương mà cô đã hiểu lầm bấy lâu nay.

Mỗi thế hệ đều có giấc mơ và khát vọng về sự tự do và nữ quyền, nhưng không phải ai cũng có thể đấu tranh đến cùng. Khi ý chí của họ vùng lên, mong muốn thoát khỏi sự bất công so với đàn ông, họ lại bị đàn áp cả về tư tưởng và thể chất, bởi chính những người phụ nữ trong nhà, những người mẹ và người bà.

Những phụ nữ làm khổ phụ nữ

Theo nội dung cuốn sách, sinh ra là con gái trong gia đình Ả Rập là điều bất hạnh, bởi ngay từ lúc chào đời, bé gái sơ sinh đã bị hắt hủi.

Mọi người trong nhà luôn mong muốn có con trai để gánh vác việc gia đình. Tuy vậy, họ luôn quên mất chính con gái mới là người giúp đỡ mẹ trong việc nhà và nấu nướng. Nếu không có con gái, con trai họ sẽ chẳng bao giờ cưới được một cô dâu về nhà.

Vậy nên, khi Isra sinh liên tiếp 4 đứa con gái, Fareeda và Adam, cũng như những thành viên trong nhà, đều không vừa lòng. Họ coi đó là gánh nặng chồng chất lên tài chính của gia đình.

Phụ nữ không được đọc sách, không được học đại học, thậm chí còn không được nhắc về tình yêu và hạnh phúc. Isra và cô em chồng Sarah đã không biết bao nhiêu lần phải đọc sách vụng trộm để khỏa lấp nỗi cô đơn và bí bách trong nhà.

Là phụ nữ thì phải kết hôn. Mục đích cả đời của một cô gái Ả Rập khi trưởng thành là lấy tấm chồng, để anh ta trèo lên lưng của phụ nữ, tiếp tục tiến xa hơn trên đường đời.

Vậy nên, Fareeda, Isra, Sarah và cả Deya đều bị giục và bị bắt đi xem mặt khi mới 16, 17 và 18 tuổi. Các bà mẹ sốt sắng tìm kiếm đối tượng, bắt các cô con gái phải học thật nhiều thứ để trở thành "món hàng" hấp dẫn trong mắt các bà mẹ chồng tương lai.

Là phụ nữ thì phải im lặng phục vụ. Không được lên tiếng cãi chồng, cha mẹ, không được đi ra ngoài Brooklyn đi chợ một mình, không được phản kháng.

Đáng buồn thay, tất cả điều răn dạy ấy lại do chính những người mẹ và người bà chỉ lại cho con gái, cháu gái của họ. Những người mẹ từng trải qua phong tục như vậy và họ cũng quyết tâm bắt con cái phải học theo, cho dù đó là trên đất Palestine hay Mỹ.

Họ nhắc đi nhắc lại những điều cấm kỵ, những điều phải làm, những thứ không nên làm, ép buộc con gái kết hôn, cấm đoán việc đi học đại học… Và quan trọng hơn cả, họ dạy cho con gái rằng phụ nữ không cần được tôn trọng, phụ nữ không cần tình yêu.

Tác giả Etaf Rum. Ảnh: Brad Mitchell

Lấy bối cảnh ở một nước Mỹ đầy khát khao cùng những lời hứa hẹn rộng mở để kể một nền văn hóa với hủ tục cực đoan, khép kín và kiểm soát đối người phụ nữ, Những người đàn bà là cái nhìn sâu sắc về sự tuyệt vọng, thống khổ của phụ nữ gốc Palestine.

Dù hết lần này đến lần khác bị vùi dập, họ vẫn mang trong mình sức mạnh phi thường và lòng dũng cảm, chờ đợi để vùng lên và tìm tiếng nói cho chính mình.

Nhan đề cuốn sách Những người đàn bà là ẩn ý đầy thú vị. Với tựa đề gốc A Woman is No Man, khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, chữ "người" đã bị gạch bỏ ngay trên chính bìa sách.

Những người đàn bà, họ sinh ra là chủng tộc người nhưng lại không được hưởng quyền đáng có của một con người, quyền được công nhận, được trân trọng và được yêu thương.


Nguồn: Báo Zing

Tin liên quan