Từ kết quả thi tuyển vào lớp 10: Sẽ rà soát, nâng cao chất lượng dạy và học

Trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm học 2020 - 2021, do nhiều trường có số học sinh (HS) đăng ký dự tuyển chỉ xấp xỉ so với chỉ tiêu, cá biệt một số trường có số thí sinh thấp hơn chỉ tiêu nên có ý kiến cho rằng việc tổ chức thi tuyển ở các địa phương hoặc các trường này là không cần thiết. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa về vấn đề này, ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết:

Trước khi quyết định phương thức tuyển sinh vào lớp 10, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến của các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Kết quả, các ý kiến đều đồng tình và thống nhất đề nghị tiếp tục áp dụng phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 - 2021 như năm học 2019 - 2020. Đó là: Xét tuyển đối với Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, Trường THPT Lạc Long Quân và Trường THPT Khánh Sơn; thi tuyển đối với Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và các trường THPT công lập còn lại. Ngày 30-1, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 242 phê duyệt kế hoạch, phương thức tuyển sinh này.

Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn các trường cho HS làm hồ sơ và đăng ký nguyện vọng dự tuyển từ ngày 13-6 đến 26-6. Ngày 1-7, HS hoàn thành việc đăng ký lại nguyện vọng dự tuyển và đây được xem là nguyện vọng chính thức của HS. Từ ngày 6-7, Hội đồng ra đề thi và in sao đề bắt đầu cách ly để làm việc. Cùng với đó, Sở GD-ĐT còn phải tổ chức thực hiện hàng loạt công việc phục vụ cho kỳ thi, trong đó phải chốt số HS dự thi để tổ chức các hội đồng coi thi, sắp xếp phòng thi, điều động cán bộ coi thi, in ấn đề thi… Nếu đột ngột thay đổi phương thức tuyển sinh từ thi tuyển sang xét tuyển thì các trường phải thông báo cho HS đến trường làm lại hồ sơ dự tuyển. Quỹ thời gian không đủ để trình UBND tỉnh thay đổi phương thức tuyển sinh của một vài trường có số HS đăng ký dự tuyển ít.

Mặt khác, năm nay, số HS tốt nghiệp THCS không đăng ký dự tuyển vào lớp 10 chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể, thị xã Ninh Hòa có 3.489 HS tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có 2.565 HS đăng ký dự tuyển vào lớp 10, chiếm 73,5%. Huyện Diên Khánh có 1.965 HS tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có 1.576 HS đăng ký dự tuyển vào lớp 10, tỷ lệ 80,2%. Huyện Cam Lâm có 1.600 HS tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có 1.331 HS đăng ký dự tuyển vào lớp 10, tỷ lệ 83,2%. Huyện Vạn Ninh có 1.865 HS tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có 1.584 HS đăng ký dự tuyển vào lớp 10, tỷ lệ 84,9%… Con số đó cho thấy công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có hiệu quả, góp phần làm giảm tính cạnh tranh thi tuyển vào lớp 10, dẫn đến một số trường có số HS đăng ký dự tuyển ít hơn so với chỉ tiêu được giao.

Tuy nhiên, từ thực tế trên, Sở GD-ĐT sẽ xem xét lại việc xây dựng chỉ tiêu tuyển mới vào lớp 10 phù hợp hơn với định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 của UBND tỉnh. Đồng thời, qua kết quả thi tuyển, sở cũng nhận thấy có những vấn đề cần phải làm rõ về chất lượng dạy và học, phương pháp truyền tải kiến thức của giáo viên đối với HS. Từ đó, sẽ chỉ đạo các trường THCS rút kinh nghiệm, phân tích các vấn đề còn tồn tại trong cách quản lý, dạy học, phối hợp giữa gia đình và nhà trường để đánh giá chính xác hơn về chất lượng dạy và học.

- Do số HS đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học 2020 - 2021 ít nên nhiều thí sinh điểm rất thấp vẫn trúng tuyển. Điều này liệu có đảm bảo chất lượng đầu vào ở các trường không, thưa ông?

- Một số trường THPT ở vùng xa, vùng khó khăn có điểm chuẩn rất thấp, tuy nhiên, số HS không nhiều, mỗi trường chỉ khoảng vài em. Cụ thể, Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Vạn Ninh) có điểm chuẩn là 5,5 nhưng mức điểm này chỉ có 1 em; mức 5,75 điểm cũng chỉ có 1 em; điểm cao nhất là 30,50; phổ điểm 10,5 - 12,5 và điểm bình quân trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường là 15,2. Trường THPT Tôn Đức Thắng (thị xã Ninh Hòa) có điểm chuẩn là 5,0 nhưng 5,0 điểm chỉ có 1 em, 5,25 điểm chỉ có 1 em; điểm cao nhất là 26,75; phổ điểm 11 - 14 và điểm bình quân trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường là 13,1.

Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm học 2020 - 2021.

Thực tế, một số địa bàn khó khăn chỉ có trường THPT công lập, không có trường tư thục, còn trung tâm giáo dục thường xuyên và trường trung cấp nghề thì ở quá xa. Do đó, các trường như: THPT Lê Hồng Phong, THPT Tôn Đức Thắng và một vài trường THPT xa thị trấn khác khi xét tuyển sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp, đảm bảo đủ số lượng tuyển sinh của trường, cũng như đảm bảo quyền được đi học của các HS tại khu vực này. Còn với các khu vực có điều kiện, điểm chuẩn nằm ở mức tương đối, các trường công lập có “thương hiệu” thì điểm chuẩn khá cao.

Điểm chuẩn chênh lệch giữa các trường cho thấy chất lượng HS của mỗi trường có sự phân hóa rất lớn. Vì vậy, để nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo chất lượng đầu ra của HS THPT, Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường THCS có những biện pháp điều chỉnh phù hợp để nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời, chỉ đạo các trường THPT tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá; phân hóa đối tượng HS để có phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường công tác phụ đạo cho HS yếu kém...

- Dù kỳ thi vào lớp 10 đã kết thúc, song vẫn có một số HS, phụ huynh nhầm lẫn về các nguyện vọng xét tuyển. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

- Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD-ĐT ghi rõ, HS đăng ký dự tuyển vào các trường THPT công lập (không chuyên) được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng: Nguyện vọng 1 là trường HS nộp hồ sơ dự tuyển, nguyện vọng 2 cho trường còn lại trên cùng địa bàn theo tuyến tuyển sinh. HS đăng ký dự tuyển vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn ngoài các nguyện vọng (tối đa 2 nguyện vọng) đã đăng ký vào trường THPT công lập (không chuyên) sẽ đăng ký một môn chuyên để tham gia thi tuyển vào Chuyên Lê Quý Đôn. Sở GD-ĐT thực hiện xét điểm chuẩn cho Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn trước, sau đó xét điểm chuẩn cho các trường THPT công lập khác. Do vậy, những HS đã được xét trúng tuyển vào Chuyên Lê Quý Đôn không được tham gia xét tuyển vào bất kỳ một trường THPT công lập (không chuyên) nào khác. Còn nếu không trúng tuyển vào Chuyên Lê Quý Đôn, HS sẽ được tham gia xét tuyển vào trường THPT công lập (không chuyên) theo cả nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 mà các em đã đăng ký, bình đẳng như những HS không đăng ký thi môn chuyên. Nói cách khác, khái niệm nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 trong tuyển sinh vào lớp 10 chỉ dành cho tuyển sinh vào trường THPT công lập không chuyên.

- Từ kết quả thi năm nay, Sở GD-ĐT có đề xuất, tham mưu UBND tỉnh thay đổi gì trong công tác tuyển sinh vào năm học 2021 - 2022 không, thưa ông?

- Xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển với xét tuyển là 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 theo quy định của Bộ GD-ĐT. Mỗi phương thức đều có những ưu điểm và nhược điểm không thể tránh khỏi. Thời gian qua, những ưu, nhược điểm của mỗi phương thức tuyển sinh đã được phân tích nhiều. Trên cơ sở thực tế quản lý, chỉ đạo của Sở GD-ĐT và qua thông tin phản ánh từ các cơ sở giáo dục, từ các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, từ các đơn vị truyền thông, Sở GD-ĐT sẽ đánh giá mặt được và mặt hạn chế trong 6 năm thực hiện xét tuyển và 2 năm thực hiện thi tuyển; đồng thời tiếp thu ý kiến của đông đảo phụ huynh HS, dư luận xã hội để nghiên cứu và tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022 phù hợp.

- Xin cảm ơn ông!


Nguồn: Báo Khánh Hòa

Tin liên quan