Giải thưởng Dế mèn: Mở ra ý thức trách nhiệm về văn học thiếu nhi

Tác giả Nguyễn Hoàng Vũ và bộ truyện tranh “Khác biệt mới tuyệt làm sao.” (Ảnh: NVCC)

Giải thưởng Dế Mèn chỉ tìm kiếm những sáng tác cho thiếu nhi, một mảng chủ đề mà cả xã hội luôn thấy thiếu vắng tác phẩm hay, thiếu vắng người viết.

Năm nay, giải thưởng đã khép lại, dù không có giải thưởng lớn – Hiệp sỹ Dế mèn nhưng 5 giải thưởng Khát vọng Dế mèn đã được trao cho những tác giả xứng đáng, mang tới kỳ vọng lạc quan về sự phát triển của nền văn học nghệ thuật cho thiếu nhi nước nhà.

Vắng ‘Hiệp sỹ’ nhưng vẫn tràn đầy ‘Khát vọng’

Kết thúc mùa giải, các nhà chuyên môn đã nhận ra rằng không hề thiếu những tác phẩm hay để trao giải. Hội đồng giám khảo đều cảm thấy có phần tiếc nuối khi vẫn còn khá nhiều các tác phẩm tốt nhưng không còn giải nào để vinh danh.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho hay điều tích cực trước tiên là số lượng tác giả gửi bài dự thi khá đông.

“Năm nay không có giải Hiệp sỹ bởi cái nền thì vững cao nhưng vượt hẳn lên thành một Hiệp sỹ thì chưa đạt. Tuy nhiên, trong hơn 50 bản thảo sách gửi dự giải năm nay có thể đàng hoàng chọn tầm 10-15 bản thảo để in thành sách,” nhà thơ cho biết.

Theo Quy chế, giải Hiệp sỹ Dế Mèn là danh hiệu cao quý nhất nhằm trao cho các tác giả có những đóng góp to lớn cho thiếu nhi trong suốt cả cuộc đời và sự nghiệp của mình đồng thời phải có tác phẩm xuất sắc trong năm trao giải.

Mùa giải đầu tiên, danh hiệu Hiệp sỹ được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với cuốn “Làm bạn với bầu trời” và một gia tài 40 cuốn cho thiếu nhi và tuổi mới lớn. Tác giả của “Kính vạn hoa” đã thuyết phục cả Hội đồng giám khảo và công chúng.

Năm nay, một số tác giả lớn cũng ra sách mới nhưng trong đó không có những sáng tác phù hợp với tiêu chí của Giải.

Tác giả Bình Ca và vợ tại lễ trao giải. (Ảnh: Hòa Nguyễn/Vietnam+)

Dù vậy, 5 giải Khát vọng Dế Mèn cũng đã làm nên một mùa giải rất chất lượng.

Đầu tiên là “Đi trốn,” của nhà văn Bình Ca, với đoạn đầu như một ký ức về tuổi thơ trong chiến tranh và đoạn sau là một cuộc phiêu lưu sinh tồn kiểu "Trên sa mạc và trong rừng thẳm."

Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận xét: “Trong các câu chuyện phiêu lưu về đồng ruộng hay đồng rừng Việt Nam, độc giả chưa từng thấy có cuộc phiêu lưu nào kỳ thú, với tầm vóc châu lục như vậy. Ở đó, có một thiên nhiên mang vóc dáng của thời tiền sử: Vừa trữ tình, thơ mộng, vừa hùng vỹ, khốc liệt.”

“Khác biệt mới tuyệt làm sao” là một series sách có tranh minh họa rất công phu, có tính giáo dục rõ ràng như những truyện ngụ ngôn nhưng khác với các ngụ ngôn truyền thống, bộ truyện này được xây dựng dựa trên trí tưởng tượng bay bổng đến mức siêu phàm của một tác giả trẻ, văn phong thì rất hóm hỉnh, hiện đại, đọc rất lí lắc mà hay, đôi chỗ sử dụng thể loại văn vần như truyện thơ.

Đáng chú ý, với hơn 20 phim dự thi Giải thưởng Dế Mèn, Hội đồng giám khảo cho rằng chừng đó đủ để làm nên cả một festival nho nhỏ.

“Khúc gỗ mục” có câu chuyện khá giản dị, kể về một khúc gỗ mục mà một thời từng từng là bộ phận quan trọng nhất ở mũi một con thuyền lớn, được gọi là “sống đầu.” Nó đã từng dẫn dắt con thuyền vượt sóng gió đại dương đi khắp muôn nơi, chinh phục bao miền xa lạ… Giờ đây, khi nằm trên bờ biển vắng, nó thường hay mơ về quá khứ hào hùng và cảm thấy mình chỉ còn là một khúc gỗ mục cô đơn, bị cuộc đời bỏ quên. Cuộc sống cứ trôi đi, tình cờ có một con chim tới trú mưa, đậu lại và khúc gỗ có cảm xúc trở lại, thấy mình có ích, là nơi che chở cho con chim nhỏ.

Ý tứ phim thú vị mà sâu sắc, đó là tình cảm của người lớn với lớp trẻ, luôn có sự bao bọc, bảo vệ, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả bản thân mình mà không cần ai biết đến. Dư vị, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của phim đã chinh phục Hội đồng giám khảo.

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay năm ngoái xem phim hoạt hình Việt Nam, ông không có nhiều ấn tượng, nhưng năm nay, ông thấy xúc động khi xem “Khúc gỗ mục.” Ông cho rằng công nghệ sản xuất phim hoạt hình của Việt Nam ngày càng tiến bộ.

Nghệ sỹ nhân dân Phương Hoa và biên kịch Phan Đức Tuấn nhận giải thưởng cho phim "Khúc gỗ mục." (Ảnh: Hòa Nguyễn/Vietnam+)

“Chúng ta có nhiều câu chuyện tuyệt vời có thể kể cho thiếu nhi. Cách kể chuyện là rất quan trọng, các tác phẩm yếu chất văn học thì không đọng lại được những bài học. Nếu viết người lớn quá thì khó mà thu hút. Muốn tác phẩm có chức năng giáo dục thì người viết phải tạo ra tác phẩm có sự cảm hóa, lôi cuốn, có chất nghệ thuật,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Ông cho rằng Giải thưởng Dế mèn mở ra ý thức trách nhiệm về văn học thiếu nhi. Đây là nền văn học quan trọng, đóng góp một vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ em.

Tác phẩm cho thiếu nhi cần hấp dẫn hơn

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho rằng các tác phẩm dự giải đều có hướng tới những điều tốt, trong việc giáo dục con trẻ nhưng cái cần là chất văn, chất nghệ thuật trong tác phẩm. Ông cho rằng yếu tố văn chương cần được tăng cường hơn nữa trong các tác phẩm thiếu nhi sau này bởi mỗi ngày văn học thiếu nhi ngày càng phát triển hơn, độc giả cũng đòi hỏi cao hơn khi thưởng thức tác phẩm.

“Tình trạng chung của các tác giả là cố gắng kể một câu chuyện, cố gắng thực hiện mục đích trong cuốn sách của mình nhưng lại quên đi văn chương. Với bạn đọc, đặc biệt là trẻ em thì thế giới trong sách phải đẹp, sống động, hòa đồng vào thế giới của các em, có những câu chuyện đầy trí tưởng tượng, đầy vẻ đẹp,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Truyện tranh của tác giả Mèo Mốc. (Ảnh: NVCC)

Ông cho rằng viết cho thiếu nhi, tác giả cần phải rời bỏ mục đích dạy cho đứa trẻ một bài học đạo đức.

"Trẻ nhỏ chưa hiểu hết được nhưng khi chúng ta đem tới một thiên nhiên đẹp đẽ, một gia đình ấm áp, những câu chuyện nhân văn đầy tính tưởng tượng thì chúng ta đã tạo ra bài học đạo đức bên trong đó cho những đứa trẻ,” ông nói.

Đồng tình với quan điểm này, biên kịch Phan Đức Tuấn của bộ phim “Khúc gỗ mục” trăn trở khi những bộ phim nước ngoài có thể hấp dẫn trẻ em đến thế còn phim trong nước thì vẫn bị thờ ơ.

“Bỏ qua yếu tố kỹ xảo, công nghệ, tôi cho rằng phim hoạt hình nước ngoài dễ chiếm cảm tình của trẻ em vì kịch bản hay, sử dụng ngôn ngữ của trẻ em, tạo nên thế giới của trẻ em. Hoạt hình không thể cứ giữ ‘khuôn vàng thước ngọc’ như ngày xưa, phải nói đến những tấm gương chăm ngoan, học giỏi, mà quên đi nguyện vọng của trẻ em ngày nay,” ông nói.

Viết cho trẻ em quả thực không dễ dàng. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng cho rằng người viết phải hiểu biết rất nhiều, hiểu trẻ con và hiểu cả người lớn bởi trong một đứa trẻ bao giờ cũng có một người lớn đang hình thành. Trong người lớn bao giờ cũng có một đứa trẻ không bao giờ già đi.

“Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa cho rằng tác phẩm cho thiếu nhi cần hồn nhiên, trong vắt. Có những người chỉ mượn trẻ con để mà đưa thông điệp cho người lớn, có những người chỉ giảng giải đạo đức, giáo dục thì cũng không thuyết phục được độc giả nhí.

Giải thưởng Dế Mèn đã tôn vinh những tác phẩm nổi bật, cũng là dịp để một lần nữa nhìn nhận về những tác phẩm dành cho thiếu nhi đồng thời nhận ra những thiếu hụt trong các sáng tác dành cho thiếu nhi, từ đó xã hội sẽ quan tâm hơn tới việc bồi đắp tâm hồn cho trẻ em.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa phân tích rằng đứa trẻ thiếu dinh dưỡng sẽ thấy ngay bằng mắt thường và có thể chữa chạy kịp thời nhưng một đứa trẻ “suy dinh dưỡng” trong tâm hồn thì thật nguy hiểm bởi khi sự thiếu hụt đó thể hiện ra thì hậu quả đã không đo đếm được.

“Việc Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức Giải thưởng Dế mèn và can đảm duy trì nó trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp thế này thật đáng trân trọng. Chúng tôi rất mong rằng người lớn toàn xã hội hãy ủng hộ Giải, ủng hộ văn học thiếu nhi bằng cách tìm đọc, xem, nghe những tác phẩm mà giải thưởng vinh danh,” nhà thơ nói thêm./.

Nguồn VietnamPlus

Tin liên quan