Nguyễn Đình Tú đưa trẻ nhỏ khám phá vẻ đẹp dung dị của cuộc sống

Nếu như nhiều tác phẩm văn học dành cho thiếu niên hiện nay có xu hướng kéo trí tưởng tượng của các em đi xa nhất, khám phá những vùng siêu thực thì Nguyễn Đình Tú lại có một 'hành trình ngược'…

Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Bên cạnh mảng sách dành cho người lớn, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã có nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi được độc giả yêu thích. Ba nàng lính ngự lâmChú bé đeo ba lô màu đỏ là 2 tác phẩm dành cho thiếu nhi của anh vừa được Sbooks và NXB Văn học ấn hành.

Nhà văn tìm hiểu thế giới trẻ thơ qua chính tâm lý con gái mình

Ba nàng lính ngự lâm gồm 17 câu chuyện nhỏ xảy ra ở lớp 1G trường Hoa Mai dưới cái nhìn của một cậu bé tên là Xuân Chinh. Mọi chuyện đều bắt đầu và xoay quanh 3 bạn gái là My xinh, Phương hot girl và Lam Anh "hung thần".

Nào là chuyện trốn trong toa-let để không phải ăn cơm, chuyện một lớp phó học tập được bầu ra đơn giản chỉ vì cậu ta… quậy nhất lớp hay nỗi băn khoăn tại sao bạn này lại thân với bạn kia mà không phải là thân với mình.

Cuốn "Ba nàng lính ngự lâm"

Trải qua những phi vụ như Vụ mất tích bí ẩn, Dọa ma, rồi đến Anh hùng toilet, bạn đọc nhí sẽ biết đến Chiến công của My xinh, biết ai là Lính cứu hỏa không mặc quần, ai là Người mẫu và khán giả bất đắc dĩ; rồi cùng đến Nông trại để thăm nom trò chuyện với những cô bò sữa…

Câu chuyện chọn nghề của các bạn nhỏ cũng thật bất ngờ: bạn thì thích làm nghề lái xe, làm phi công, làm lính cứu hỏa, làm bộ đội, bạn thì thích làm nghề nặn tò he, và có bạn còn thích cả làm nghề… hoa hậu. Đó là những cái thích rất đúng với tâm lý của trẻ thơ, là những gì các bạn nhỏ đã được nhìn thấy, thích thú hay ngưỡng mộ.

Tìm hiểu thế giới trẻ thơ qua chính tâm lý con gái của mình, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã thành công khi bước vào cuộc sống tinh nghịch, trong veo của những cô bé cậu bé lớp 1. Cuốn sách này, vì thế không chỉ là lựa chọn thích hợp cho độ tuổi thiếu nhi, còn là gạch nối thân thiện để bố mẹ đọc và hiểu hơn về cuộc sống ở trường lớp của con cái mình.

"Hành trình ngược" trong câu chuyện về chú bé đeo ba lô màu đỏ

Nếu như câu chuyện về Ba nàng lính ngự lâm là thế giới trẻ thơ hồn nhiên của trẻ em thành thị thì Cậu bé đeo ba lô màu đỏ là câu chuyện trưởng thành của một cậu bé lớn lên từ nông thôn.

Nhà văn được gặp Hưng lần đầu tiên khi anh vừa nhận chức Chủ tịch huyện Thạch Biên. Khi ấy, người viết câu chuyện này đã rất ngạc nhiên khi thấy trong phòng làm việc của anh treo một chiếc ba lô đỏ cũ kỹ, bạc phếch. Còn trong tủ kính có đặt một chiếc nỏ sừng, cạnh đó là ống tên, bên trong vẫn còn tám mũi tên bạc chưa một lần được bắn đi.

Bắt đầu từ chiếc ba lô, rồi đến cái nỏ sừng, rồi những mũi tên bạc, cả con ốc loe đặt ngay trên bàn làm việc của chủ tịch huyện nữa… Cứ vậy, câu chuyện về quãng thời gian lưu lạc của Hưng được khơi gợi và rồi được chính anh kể lại cho nhà văn nghe.

Truyện đã được viết lại một cách trung thực, những diễn biến chính chỉ "gói gọn" trong khoảng thời gian hơn 2 năm kể từ khi nhân vật Hưng dời Thạch Biên cùng bố và gặp tai nạn đắm đò cho đến khi cậu ta quay trở lại quê nhà cùng cô bạn gái thân thiết.

Cuốn sách "Chú bé đeo ba lô màu đỏ"

"Những đứa trẻ lên 10 có khả năng hấp dẫn bạn đọc ghê gớm. Những đứa trẻ lên 10 cũng có khả năng trình ra trước bạn đọc cả một thế giới nội tâm đa dạng và phức tạp của mình. Những đứa trẻ lên 10 cũng đã có thể có những hành động làm thay đổi cuộc đời mình hoặc những người xung quanh. Những đứa trẻ lên 10 vốn bí ẩn, thú vị và luôn mang lại bất ngờ cho cuộc sống quanh chúng. Những đứa trẻ lên 10 cũng là một phần của chính tôi. Và thế là tôi nghĩ đến một câu chuyện… Câu chuyện về những đứa trẻ 10. Đó chính là Chú bé đeo ba lô màu đỏ", nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ.

Nhận xét về cuốn sách, nhà văn - tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cho rằng: "Chú bé đeo ba lô màu đỏ được viết bằng chất giọng điềm tĩnh, người lớn, không chút "nương nhẹ". Có vẻ như, tác giả rất hiểu người đọc của mình: Những đứa trẻ ở thời đại đầy ắp thông tin, thẳng thắn và đôi khi ngược ngạo, không chấp nhận bị nương nhẹ, sẵn sàng đối mặt với mọi sự thật. Nhưng cũng chính những đứa trẻ ấy lại dễ bị tổn thương hơn trong thế giới này, dễ hoang mang hơn trong sự hỗn loạn của thông tin mà chúng chưa đủ sức phân loại để lựa chọn, để tin hoặc không tin".

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy thì đánh giá: "Rất nhiều tác phẩm văn học dành cho thiếu niên hiện nay có xu hướng kéo trí tưởng tượng của các em đi xa nhất, khám phá những vùng hiện thực... không có thực, thì Nguyễn Đình Tú đã có một "hành trình ngược". Nhà văn đã đưa các em khám phá chính những vẻ đẹp trong những điều dung dị của cuộc sống trần thế thân thuộc này theo từng bước chân của cậu bé Hưng bị số phận đẩy đưa trong hành trình xuyên Việt mà cậu vừa là nhân vật chính, vừa là một hướng dẫn viên du lịch cho bạn đọc".

Tiến sĩ Phan Tuấn Anh chia sẻ: "Trong chúng ta, liệu thời ấu thơ ai mà không có những người bạn tốt, những chuyến phiêu lưu giang hồ điên rồ, sự tò mò tưởng tượng về thế giới đầy ngô nghê, những trăn trở về các mối quan hệ trong gia đình và xã hội? Các sự kiện và suy tưởng này thì lại dày đặc trong tác phẩm của Nguyễn Đình Tú. Theo nghĩa ấy, tiểu thuyết Chú bé đeo ba lô màu đỏ xứng đáng là một tác phẩm vượt qua được sự thử thách của độ tuổi tiếp nhận. Hành trình từ nơi khởi phát là truyện thiếu nhi để đến với mọi độ tuổi tiếp nhận khác nhau, nơi mỗi độ tuổi sẽ tìm thấy trong thế giới tuổi thơ ấy câu chuyện và thông điệp của riêng mình".

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nguyen-dinh-tu-dua-tre-nho-kham-pha-ve-dep-dung-di-cua-cuoc-song-20211112133814442.htm

Tin liên quan